(HTV) - Việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia sẽ có tác động lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân và cả nền kinh tế.
Do vậy, cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, dựa trên các cơ sở khoa học, tình hình thực tế về kinh tế - xã hội để bảo đảm hài hòa các mục tiêu lợi ích, sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh và tăng thu cho ngân sách. Đây là nhấn mạnh của nhiều chuyên gia tại hội thảo công bố "Báo cáo đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành bia Việt Nam".
Báo cáo cho thấy, khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia thì nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế sản phẩm (thuế gián thu) trong cả 3 phương án đều tăng. Tuy nhiên, nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế gián thu chỉ tăng trong ngắn hạn.
Mặt khác, việc tăng thuế ảnh hưởng tiếp đến cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động khi lao động trong ngành bia chiếm hơn 50% tổng lao động của ngành đồ uống, hệ quả là làm suy giảm GDP của nền kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam chia sẻ: "Đồng thuận với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm như bia, đồ uống có cồn, thuốc lá,... Tuy nhiên, vấn đề nằm ở mức tăng và lộ trình tăng thuế cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Chúng ta cần đưa ra phương án hài hòa, vừa đảm bảo tăng thuế nhưng đồng thời có lộ trình phù hợp để doanh nghiệp có thời gian sắp xếp, ổn định hoạt động kinh doanh".
Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)
Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ: "Phương án thứ 3 đề xuất kéo dài đến năm 2027 mới bắt đầu điều chỉnh tăng thuế, sau đó cứ 2 năm tăng 1 lần với mức 5%, và đến năm 2031 sẽ đạt mức 80% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia. Phương án này tuy vẫn có tác động đến ngành bia nhưng ở mức độ nhẹ hơn, đồng thời giúp ngành duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, thuế gián thu sẽ tăng dần, trong khi thuế trực thu chịu ảnh hưởng ít hơn đáng kể".
Một số doanh nghiệp cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nguyên liệu đầu vào của các ngành sản xuất bị tăng lên, tiêu dùng giảm, khiến doanh nghiệp đứng trước nhiều khó khăn. Do đó, việc sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải được xem xét toàn diện, thấu đáo.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9