(HTV) - Nguồn cung gạo trên thế giới thiếu hụt khiến giá gạo tăng. Điều này vừa mang lại cơ hội, vừa tiềm ẩn rủi ro cho các nhà sản xuất, xuất khẩu gạo Việt Nam.
Hiện nước ta có khoảng 45 triệu tấn gạo. Nếu nhu cầu trong nước bao gồm ăn uống, để lại giống, chế biến, dự trữ là khoảng 30 triệu tấn, thì Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu đến 15 triệu tấn gạo. Tính toán sơ bộ như vậy cho thấy điều hết sức khả quan.Việt Nam có thể xuất khẩu đến 15 triệu tấn gạo
Tuy nhiên, việc xuất khẩu tăng đột ngột cũng có tính hai mặt. Đây là chia sẻ của Tiến sĩ Từ Minh Thiện - Chuyên gia kinh tế nông nghiệp trong cuộc trao đổi với phóng viên HTV.
Phóng viên: “Xin chào Tiến sĩ Từ Minh Thiện! Trong tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên xuất khẩu Việt Nam đạt hơn 30 tỷ USD/tháng trong năm 2023. Điều tích cực này có được một phần nhờ xuất khẩu gạo tăng lên trong bối cảnh một số nước cấm xuất khẩu loại mặt hàng này. Nhưng cùng với đó, tình trạng găm hàng, đẩy giá cũng có diễn ra. Vậy dưới góc nhìn của ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo hiện nay ở trong nước và thế giới?”
Tiến sĩ Từ Minh Thiện - Chuyên gia kinh tế nông nghiệp: “Một số quốc gia như Nga, UAE và Ấn Độ ngưng xuất khẩu gạo. Đây là một điều rất bất ngờ và cũng là cơ hội rất tốt cho Việt Nam chúng ta, đã vươn lên vị trí nhất nhì trên thế giới. Và hiện nay tại vì trong số 10 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Ấn Độ chiếm vị trí rất quan trọng. Họ ngưng xuất khẩu thì các nước có nhu cầu về gạo Việt Nam rất nhiều. Điều quan trọng nhất là giá hiện nay lên nhiều.Có những loại gạo lên tới 521 USD/tấn, trong khi lúc trước chỉ 475-485 USD/tấn thôi.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu tăng bao giờ cũng có cái lợi và bất lợi. Cái bất lợi hiện nay cái tăng này là cái tăng đột xuất và chúng ta chưa biết kéo dài bao lâu. Gạo cũng là một trong những sản phẩm được đưa vào rổ hàng của CPI, hiển thị cho tình trạng lạm phát. Và nếu chúng ta làm không khéo, người ta ùa vào thu mua để xuất khẩu gạo, đẩy giá gạo trong nước lên, sẽ ảnh hưởng ngay đến chỉ số giá, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động.”
Phóng viên: “Để thực hiện Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, đâu là những biện pháp khả thi và hiệu quả, phù hợp với thực tiễn diễn biến của thị trường?”
Tiến sĩ Từ Minh Thiện - Chuyên gia kinh tế nông nghiệp: “Khá là khó với nhau, một cái là vừa phải đảm bảo xuất khẩu và vừa phải đảm bảo tính bền vững, như chúng ta biết thì đảm bảo tính bền vững thì phải đảm bảo từ gốc. Do đó điều quan trọng là số liệu thống kê, số liệu sản xuất lúa gạo thực sự ở các địa phương phải được nắm vững. Cần phải quy hoạch để đảm bảo 1 triệu ha lúa làm cái cắt giảm khí thải nhà kính.
Cần phát triển mạnh 3 thị trường: Thị trường giao ngay, thị trường B2B và thị trường tương lai (Future), tức là có thể ký bây giờ nhưng năm sau mới giao, hoặc chốt giá bây giờ năm sau mới giao,...
Phát triển đủ 3 thị trường này thì chúng ta có thể cân đối được lượng cầu, nhu cầu trên thế giới, từ đó điều tiết lại cái cung. Chúng ta thấy thời gian qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển chưa tương xứng với những đóng góp của khu vực này, người dân, người sản xuất ở đó đối với việc xuất khẩu và nền nông nghiệp quốc gia. Do vậy cần có sự đầu tư tương xứng liên quan đến cơ sở vật chất, hạ tầng, liên quan đến giáo dục - đào tạo, nguồn nhân lực, liên quan đến vấn đề cung cấp những phúc lợi,... Đó là những cái mà tôi nghĩ như vậy chúng ta sẽ có thể phát triển bền vững hơn.”
Phóng viên: “Xin cám ơn ông đã tham gia trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình TP.HCM!”
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9