(HTV) - NXB Tổng hợp TP.HCM vừa giới thiệu tập sách "Người Việt nói tiếng Việt" của tác giả - nhà báo Nguyễn Quang Thọ. Tập sách sưu tập, khảo cứu về thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt bị các từ điển bỏ sót, hoặc trao đổi lại phần giải nghĩa.
Cuốn sách "Người Việt nói tiếng Việt" dày hơn 380 trang, sưu tập hơn 600 thành ngữ và tục ngữ không có mặt trong từ điển, mặc dù rất thông dụng trong đời sống, qua đó thể hiện sự đa dạng, biến hóa tài tình trong hành trình phát triển của tiếng Việt.
Sách gồm ba phần chính: Chương 1: Mắt thấy tai nghe; Chương 2: Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật; Chương 3: “Đánh trống qua cửa nhà sấm”; Ghi thêm: Trông người lại ngẫm đến ta; Nhìn vào miệng người bình dân; Lời cuối sách.
Bìa tập sách "Người Việt nói tiếng Việt"
Tác phẩm "Người Việt nói tiếng Việt" mang đến nhiều cách tiếp cận thành ngữ, tục ngữ
Theo tác giả Nguyễn Quang Thọ, trong quá trình tham khảo nhiều nguồn từ điển để phục vụ nghiệp vụ báo chí và nghiên cứu, ông nhận thấy sự vắng mặt của nhiều thành ngữ theo quy luật không ngừng phát triển của xã hội. Trong khi đó, vốn tiếng Việt lại vô cùng phong phú, nhiều từ ngữ mới xuất hiện, dãy thành ngữ cần tìm ra giải nghĩa trọn vẹn ngày một nhiều hơn.
Trong sách, nhà báo đào sâu vào các thành ngữ bị hiểu lệch nghĩa, thậm chí nhạy cảm ít dùng đến, ngõ hầu giúp người đọc khám phá thêm sự đa tầng của ngôn ngữ dân tộc.
Ngôn ngữ có chức năng diễn đạt tất cả mọi suy nghĩ, cảm xúc; thể hiện niềm vui, nỗi buồn, sự hài lòng hay tức giận. Đôi khi chỉ một câu chữ hay một cử chỉ ngôn ngữ nhỏ cũng có thể chứa đựng hàng trăm cảm xúc khác nhau. Chính vì điều đó mà trong khi biên soạn quyển sách, nhà báo Nguyễn Quang Thọ muốn gửi gắm đến người đọc ý nghĩa “Tiếng Việt là cái tình cảm của mình, là mạch sống của dân tộc”. Vì lẽ đó, khi làm công tác nghiên cứu, ông quan niệm mình đang giữ gìn vốn liếng của cha ông.
Bên cạnh việc giải thích những câu từ bình dân có từ thời xa xưa, tập sách còn bổ sung cho người đọc những ngôn ngữ mới xuất hiện gần đây: Quê một cục, thở oxy, liều ăn nhiều, ngon nhức nách,... thu hút những độc giả trẻ.
Đôi lúc, tác giả còn mạnh dạn nêu lên quan điểm cá nhân về thể loại thành ngữ, vẫn đang gây tranh cãi trong giới nghiên cứu ngôn ngữ học, cho thấy công trình này có xu hướng đi sâu vào lĩnh vực chuyên môn của các nhà ngôn ngữ học.