Thắt chặt liên kết vùng sản xuất nông sản tại TP.HCM

THU HIẾU - MINH CHƯƠNG - QUỐC KHANH - TẤN PHONG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 25/11/2024, 14:06

(HTV) - TP.HCM đẩy mạnh liên kết vùng, kết nối trực tiếp với các khu vực sản xuất nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP và thúc đẩy phát triển bền vững.

Trong những năm gần đây, TP.HCM đã không ngừng nỗ lực tăng cường kết nối trực tiếp với các vùng nguyên liệu để xây dựng chuỗi cung ứng nông sản tươi mỗi ngày. Những chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức đã mang lại nhiều góc nhìn mới trong việc triển khai các mô hình sản xuất chất lượng, đồng thời thúc đẩy liên kết vùng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm không chỉ tại TP.HCM mà còn lan tỏa đến các địa phương lân cận.

Hiện nay, nhiều hệ thống phân phối và bán lẻ tại TP.HCM đã dành khu vực riêng để giới thiệu các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) từ các tỉnh thành. Với sự đón nhận nhiệt tình từ thị trường hơn 10 triệu dân và hơn 6 triệu du khách quốc tế mỗi năm, các sản phẩm OCOP đang dần khẳng định vị trí trong lòng người tiêu dùng, đồng thời tạo động lực cho các chương trình hỗ trợ liên ngành phát triển mạnh mẽ hơn.

Tại vùng nguyên liệu Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, HTX Thuận Phát do ông Ngô Nam Phong làm chủ nhiệm đã duy trì trồng cây atiso qua hai thế hệ nông dân trong suốt 68 năm. Nhờ đạt chứng nhận OCOP và hợp tác chặt chẽ với các siêu thị tại TP.HCM, HTX này đã ổn định đầu ra, trung bình mỗi mùa thu hoạch lãi khoảng 130 triệu đồng.

Ông Ngô Nam Phong và vườn atiso của mình

“Trước đây, việc sản xuất và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và các chương trình kết nối, sản phẩm của chúng tôi giờ đây có bao bì, mẫu mã chất lượng, giúp người tiêu dùng an tâm hơn. Doanh thu cũng tăng đáng kể,” ông Ngô Nam Phong chia sẻ.

Qua các chuyến khảo sát và trao đổi kinh nghiệm, không chỉ các nông dân, mà cả các nhà nghiên cứu và chủ thể OCOP tại TP.HCM đã nhận thấy tiềm năng hợp tác to lớn cũng như các phương án cải tiến sản xuất hiệu quả.

Toàn cảnh vườn cây

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết - chủ cơ sở sản xuất muối Ngọc Long Thiêng Liềng (huyện Cần Giờ, TP.HCM), nhấn mạnh: “Các sản phẩm OCOP ngày càng nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Việc mở rộng quy mô và nhân rộng các mô hình OCOP sẽ giúp các cơ sở học hỏi kinh nghiệm và cải thiện chất lượng sản phẩm.”

Theo ông Đặng Văn Khoa - thành viên Hội đồng Tư vấn Khoa học - Kinh tế - Môi trường của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, sự liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành chính là chìa khóa tạo nên sức mạnh lớn, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế.

Rau sạch được bày bán trong siêu thị

Những nỗ lực kết nối vùng không chỉ giúp các địa phương phát huy tiềm năng sản xuất mà còn đảm bảo nguồn cung nông sản ổn định, chất lượng cho thị trường TP.HCM. Đây là bước tiến quan trọng nhằm xây dựng nền nông nghiệp bền vững, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: