Thế giới chung tay hành động bảo vệ môi trường

PHÒNG CHƯƠNG TRÌNH NƯỚC NGOÀI // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 10/6/2023, 15:15

(HTV) - Năm nay Liên Hợp Quốc đã chọn chủ đề "Đánh bại ô nhiễm nhựa" như một trong những mục tiêu tiên quyết để bảo vệ môi trường sống của loài người.

Nhân Ngày Môi trường Thế giới 5/6, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi thế giới chung tay hành động để giảm thiểu rác thải nhựa. 

Trong thông điệp qua video phát tại sự kiện kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cho biết, mỗi năm thế giới sản xuất hơn 400 triệu tấn nhựa các loại. Trong đó, có tới 1/3 trong số này là nhựa sử dụng một lần. Những hậu quả của ô nhiễm rác thải nhựa đối với đời sống con người "thực sự thảm khốc", ông Guterres nhận định.

Cũng theo ông Guterres, thế giới đã khởi động đàm phán về một thỏa thuận đa phương ràng buộc pháp lý. Đây chính là bước đầu tiên đầy triển vọng trong việc chấm dứt ô nhiễm nhựa. Tuy vậy, cần phải có sự chung tay hành động của mọi người.

Tại phòng thí nghiệm Trường Đại học Paris-Est-Créteil (Pháp), các nhà khoa học đang nghiên cứu vòng đời của nhựa ở sông Seine. Kết quả các nghiên cứu thật đáng báo động: có rất ít nhựa kích cỡ lớn hơn 5 mm được tìm thấy tại sông Seine. Trong khi đó, lượng nhựa này dễ bị dòng nước cuốn trôi trong nhiều năm mà không phải lúc nào cũng đến được biển Manche. 

Vấn đề đặt ra ở đây là phải thu gom các loại nhựa lớn, trước khi chúng bị phân mảnh và trở thành vi nhựa. Theo nhóm nghiên cứu, hiệu quả nhất là giảm tiêu thụ nhựa và trên hết là ngừng tiêu thụ nhựa sử dụng một lần.

Còn tại Anh, các nhà khoa học đã công bố một kết quả nghiên cứu gây bất ngờ. Thay vì giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa, hoạt động tái chế không đúng cách có thể đang làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm vi nhựa trên thế giới. 

Nghiên cứu thực hiện tại một cơ sở tái chế ở Vương quốc Anh gần đây cho thấy, khoảng 6 đến 13% nhựa tái chế có thể thải ra nước hoặc không khí dưới dạng vi nhựa, là những hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm.

Kết quả này làm tăng thêm mối lo ngại rằng tái chế không phải là giải pháp hiệu quả cho vấn đề ô nhiễm nhựa như nhiều người vẫn nghĩ. 

 Tuy vậy, bất chấp những phát hiện mới, các chuyên gia vẫn khuyến nghị phải thúc đẩy hoạt động tái chế, bởi đây vẫn đang là phương pháp tốt nhất giúp con người hạn chế việc sản xuất nhựa trên thế giới cho tới thời điểm hiện tại.

Giới khoa học hàng đầu thế giới mới đây đã đưa ra cảnh báo, Trái Đất đã vượt qua ngưỡng giới hạn an toàn đối với con người do nhiệt độ tăng, hệ thống nước bị gián đoạn và môi trường sống tự nhiên bị phá hủy. Nhiều quốc gia và tổ chức đã nhân dịp Ngày môi trường Thế giới 5/6 để hành động, cam kết và tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người về bảo vệ môi trường.

Một giải pháp cấp quốc gia nhằm bảo vệ Rừng Amazon - lá phổi của hành tinh xanh vừa được chính phủ Brazil cam kết hôm 5/6. Theo đó, Brazil sẽ chấm dứt nạn phá rừng Amazon vào năm 2030. Đích thân Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva đã kí văn bản và thông báo về kế hoạch trên.

 

Chính phủ Brazil sẽ đưa ra một chính sách phối hợp hơn 10 bộ ngành từ nay đến hết nhiệm kì của ông Lula vào năm 2027. Nước này đặc biệt tăng cường chống tội phạm môi trường, đồng thời áp dụng các biện pháp khác để bảo vệ khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới. 

Theo số liệu từ tạp chí Time thì 17% diện tích rừng Amazon đã biến mất. Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên cho biết với tốc độ phá rừng như hiện nay, 27% diện tích Amazon sẽ không còn bóng cây xanh.

Hay tại Indonesia, Thành phố Jakarta đang chìm trong nước với tốc độ hơn 15 cm/năm, và rừng ngập mặn được cho là biện pháp "phòng thủ" hiệu quả trước thực trạng này. Chính vì thế mà các nhóm bảo tồn đang mở các tour du lịch và khuyến khích du khách tham gia trồng rừng ngập mặn.

Trong tour du lịch sinh thái tại Công viên bảo tồn thiên nhiên Angke Kapuk, khách tham quan sẽ tham gia các hoạt động như chèo thuyền kayak, và đặc biệt là ươm giống những cây ngập mặn.

Hoạt động này vừa là một hình thức du lịch bền vững, vừa truyền đi thông điệp chung tay để bảo vệ môi trường.

Không chỉ có nhà chức trách hay người dân, du khách góp sức vào ý tưởng bảo vệ môi trường tự nhiên, những người từng là kẻ phá hoại môi trường nay cũng đã thay đổi và hành động. 

Cách đây 20 năm, rạn san hô ở vùng biển quanh quần đảo Spermonde, Indonesia bị tàn phá nặng nề bởi nhóm người săn trộm. Giờ đây, chính họ đó lại trở thành nhân viên bảo tồn cùng nhau làm việc để khôi phục rạn san hô mà họ đã phá hủy, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia. 

Haji Dahrin 47 tuổi từng là một người săn trộm. Hiện tại, ông là một thành viên của lực lượng bảo tồn tại đây. 

Những nhân viên bảo tồn như Dahrin nhận được sự hướng dẫn từ giáo sư Syafyudin Yusuf. Trong 2 thập niên qua, ông đã nỗ lực bảo vệ và khôi phục các rạn san hô.

Ông Syafyudin Yusuf cũng khẳng định: "Chúng tôi đã quan sát và tìm hiểu thói quen của họ. Và rồi chúng tôi đã tìm cách thay đổi suy nghĩ của họ, từ việc đánh bắt mang tính hủy hoại trở thành bảo vệ môi trường".

Giáo sư Yusuf cùng với những đồng sự vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Nhưng những nhà hoạt động môi trường như ông luôn tin rằng, nỗ lực hành động của họ tuy nhỏ nhưng vẫn có thể tạo ra khác biệt lớn trong việc bảo vệ san hô nói riêng và môi trường tự nhiên nói chung. 

Một báo cáo mới của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho thấy, thế giới có thể giảm 80% tình trạng ô nhiễm nhựa vào năm 2040 nếu chúng ta thay đổi và hành động ngay bây giờ. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: