Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc sử dụng chứng chỉ để miễn thi bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Trong văn bản trưa 15/6, Bộ này cho biết để "bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người học", những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài, trong đó có IELTS cấp sau ngày 10/9 vẫn được xét miễn thi và tính điểm 10 môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thông báo được đưa ra 5 ngày sau khi Cục Quản lý chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của thí sinh diện miễn thi. Theo đó, các chứng chỉ hợp pháp để miễn bài thi Ngoại ngữ phải được cấp trước ngày 10/9/2022 - thời điểm nhiều đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ IELTS ở Việt Nam chưa được Bộ cấp phép.
Việc này khiến hàng nghìn thí sinh có chứng chỉ IELTS có thể mất cơ hội được miễn thi Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Như tại TP.HCM, hơn 750 thí sinh bị ảnh hưởng. Phụ huynh và thí sinh bức xúc khi thông báo thay đổi được đưa ra trước kỳ thi khoảng hai tuần, khiến học sinh bất ngờ, không có thời gian ôn luyện, chuẩn bị.
Thí sinh dự thi môn Ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM
Theo quy định, thí sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 trở lên hoặc tương đương, hạn sử dụng chứng chỉ còn ít nhất tới ngày 27/6/2023 được miễn và tính điểm 10 môn Tiếng Anh thi tốt nghiệp. Năm nay, cả nước có hàng chục nghìn thí sinh thuộc diện này, trong đó riêng Hà Nội là 16.000, TP.HCM gần 10.000.
Ngoài ra, IELTS và các chứng chỉ ngoại ngữ khác còn được sử dụng rộng rãi trong công nhận chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên, xét tuyển đầu vào đại học, du học, thậm chí xét tuyển cấp hai và cấp ba.
Do đó, việc hoãn thi IELTS và các chứng chỉ ngoại ngữ vào đầu tháng 11 năm ngoái đã dẫn đến nhiều sự cố. Hồi đầu năm, hàng nghìn sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Điện lực không được công nhận chứng chỉ Tiếng Anh Aptis Esol để xét tốt nghiệp, phải khiếu nại kéo dài. Đến tháng 5, trường Đại học Y Dược TP.HCM từ chối chứng chỉ IELTS của 44 ứng viên xét tuyển thạc sĩ, tiến sĩ. Tất cả đều do những chứng chỉ này được cấp trong khoảng thời gian đơn vị tổ chức thi chưa được Bộ cấp phép.
Sự việc chỉ được giải quyết khi Cục Quản lý chất lượng có văn bản đề nghị các bên liên quan phối hợp, đồng thời khẳng định các chứng chỉ IELTS có giá trị trong tuyển sinh và đào tạo.
Nguồn: Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV