Thời trang nhanh ảnh hưởng môi trường thế giới

PHÒNG CHƯƠNG TRÌNH NƯỚC NGOÀI // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 4/6/2023, 20:00

(HTV) - Theo EU, thời trang nhanh sẽ trở thành xu hướng khi thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, song lại có tác động nghiêm trọng tới môi trường.

Theo EU, ngành dệt may có tác động lớn thứ 4 đối với môi trường và biến đổi khí hậu chỉ sau sản xuất thực phẩm, nhà ở và giao thông. Vậy ảnh hưởng của thời trang nhanh đến môi trường sống của chúng ta như thế nào?

Quần áo là nhu cầu quan trọng đối với con người nhưng có một thực tế khắc nghiệt là ngành thời trang, đặc biệt là thời trang nhanh đang gây ô nhiễm và tàn phá môi trường rất lớn. Vậy bằng cách nào mà quần áo chúng ta mua lại có hậu quả xấu với môi trường như vậy?

Thời trang nhanh là một mô hình kinh doanh thúc đẩy việc sản xuất nhanh chóng các quần áo giá rẻ để đáp ứng xu hướng thời trang mới nhất.

Thuật ngữ này bắt đầu xuất hiện vào đầu 1990.

Dệt may là nhóm sản phẩm làm từ nhựa hóa dầu lớn thứ hai sau bao bì, chiếm 15% tổng số sản phẩm hóa dầu. Hầu hết quần áo trên thế giới được làm bằng polyester, loại sợi tổng hợp chủ yếu có nguồn gốc từ dầu mỏ. Sự ra đời của sợi tổng hợp đã vượt qua sợi bông, trở thành sợi dệt chính của thế kỷ 21.

Báo cáo do Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA) công bố gần đây đã chỉ ra rằng, các loại sợi dùng trong ngành dệt may đang có tác động đáng kể đến môi trường. Việc sản xuất các sợi tổng hợp như polyester, nylon và acrylic là một quy trình tiêu tốn nhiều năng lượng, đòi hỏi một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và giải phóng khí CO2. Hơn nữa, những loại vải này phân hủy thành vi nhựa gây ô nhiễm đại dương và gây ra mối đe dọa đối với sinh vật biển. Một báo cáo năm 2017 của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) ước tính rằng, khoảng 35% hạt vi nhựa trong đại dương là do quá trình xả nước giặt các loại vải tổng hợp như polyester ra sông ngòi.

Vấn đề không dừng ở đó, các nhà máy may mặc là các đơn vị tiêu thụ năng lượng lớn và vì thế cũng phát ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ước tính tới 80% năng lượng dùng trong ngành thời trang là cho việc sản xuất vải. Điện cần thiết để chạy máy như máy giặt và bơm không khí tại các nhà máy dệt may. Người ta cũng cần lượng lớn nhiệt cho việc giặt, làm khô và nhuộm vải.

Đã vậy nhiều nhà máy may mặc lại đổ thẳng các hóa chất chưa qua xử lý vào các dòng sông và gây ra tình trạng ô nhiễm ở một nhóm các sông ô nhiễm nhất thế giới.

Đây là một trong những hệ quả của suy thoái môi trường sống, ô nhiễm tăng vọt và khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng.

Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố thống kê mới đây cho biết khoảng 11.778 thảm họa liên quan đến thời tiết cực đoan diễn ra từ năm 1970 đến 2021, khiến hơn 2 triệu người chết. Các thảm họa ngày càng gia tăng. Các đợt lạnh chưa từng thấy tại Châu Âu, Mỹ các vụ cháy rừng, lũ lụt nghiêm trọng tại một số nơi trên thế giới và đặc biệt hơn cả là nhiệt độ trái đất ngày càng gia tăng đang tác động đến chính đời sống chúng ta.

Nếu khí hậu tiếp tục ấm lên nghiêm trọng hơn, khoảng 3,3 tỷ người có thể phải đối mặt với nhiệt độ khắc nghiệt vào cuối thế kỷ này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiệt độ cực cao có thể dẫn đến một loạt bệnh tật và tử vong, trong đó các hiện tượng chính phải kể đến là say nắng và tăng thân nhiệt.

Nhiệt độ cực đoan cũng làm trầm trọng thêm các tình trạng mãn tính và có tác động gián tiếp đến việc truyền bệnh, chất lượng không khí và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Người già, trẻ sơ sinh và trẻ em, phụ nữ mang thai, người lao động chân tay và làm việc ngoài trời, vận động viên và người nghèo đặc biệt dễ bị tổn thương trước nhiệt độ cao hơn.

Nghiên cứu cho thấy việc hạn chế sự nóng lên ở mức thấp hơn mục tiêu của Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu là 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp vẫn sẽ khiến 400 triệu người phải đối mặt với mức nhiệt nguy hiểm vào cuối thế kỷ này.

Để ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu này, nhiều nước trên thế giới đã đề ra các biện pháp ngăn ngừa. Một trong số đó là Quy định Thiết kế Sinh thái mới của EU, trong đó gồm lệnh cấm tiêu hủy các mặt hàng tồn kho và yêu cầu gắn mã kỹ thuật số đối với các mặt hàng được bán trên thị trường.

Quy định mới nhằm mục tiêu thúc đẩy sản xuất bền vững, trong khi tạo ra một khuôn khổ chặt chẽ hơn đối với hầu hết các loại hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU. 

Trong một tuyên bố chung, các nước EU cho biết các quy tắc mới sẽ đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn, buộc các nhà sản xuất phải cải thiện độ bền vững và đáng tin cậy của sản phẩm, đảm bảo các yếu tố tái sử dụng, có thể được nâng cấp, sửa chữa, tái chế và dễ bảo trì hơn.

Giới phân tích cũng cho biết quy định mới sẽ hạn chế ngành thời trang nhanh (fast fashion), vốn trở thành xu hướng khi thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, song lại có tác động nghiêm trọng tới môi trường.

Để ngăn chặn ảnh hưởng của thời trang nhanh tác động đến môi trường sống. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu chú ý đến thời trang xanh hay còn được gọi theo một kiểu khác là thời trang bền vững.

Tại thị trấn Prato ở Italia, nhiều công ty bắt tay nhau, tạo thành một dây chuyền để tái chế quần áo cũ thành quần áo mới.

Hiện nay, thị trấn Prato sản xuất ra khoảng 15% lượng quần áo tái chế trên toàn thế giới.

Việc sử dụng các sản phẩm thời trang bền vững không chỉ giúp tăng thêm sức hút về vẻ đẹp của chính bạn mà còn thể hiện trách nhiệm của bạn đối với môi trường. Dù giá thành của những sản phẩm này thường cao hơn so với các sản phẩm nhanh của các thương hiệu thời trang. Tuy nhiên, nếu bạn đầu tư vào một sản phẩm có chất lượng cao và sử dụng được nhiều lần, tổng chi phí cho mỗi lần sử dụng sẽ thấp hơn rất nhiều so với việc sử dụng các sản phẩm kém chất lượng và phải mua thay thế liên tục.

Một trong những đặc điểm nổi bật của hành vi mua sắm của giới trẻ hiện nay là việc họ quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững của sản phẩm. Theo xu hướng này, thời trang bền vững ngày càng trở nên phổ biến và thay đổi cách mọi người tiêu thụ sản phẩm thời trang, góp phần bảo vệ môi trường và giảm lượng rác thải.

Ý kiến của bạn: