(HTV) - Trường Ðại học Nguyễn Tất Thành phối hợp với Hội Nghiên cứu biên tập công trình Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới vì sự Phát triển bền vững.
Hội thảo được tổ chức dựa trên nhận định đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cung cấp các giải pháp giải quyết các thách thức trên tất cả mọi lĩnh vực.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Tính đến nay, Trường Ðại học Nguyễn Tất Thành có hơn 1.600 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 20 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước cùng nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học đã chuyển giao công nghệ, qua đó giúp Trường nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra các công nghệ và sản phẩm mới.
Theo Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành: “Hướng cuối cùng trong nghiên cứu khoa học ở Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là hướng đến chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm. Nhà trường có những chính sách để hỗ trợ, cùng các thầy cô, nhà khoa học bắt đầu gắn kết với doanh nghiệp hoặc cùng thực hiện đặt hàng của doanh nghiệp để giới thiệu các sản phẩm ra ngoài thị trường”.
Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Giới chuyên môn đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức xã hội, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục, nhằm tiến tới xây dựng hệ sinh thái đại học khởi nghiệp và hướng đến sự phát triển bền vững.
Giáo sư - Tiến sĩ khoa học - Nhà giáo nhân dân Bành Tiến Long - Chủ tịch Hội Nghiên cứu biên tập công trình Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Vase) cho biết: “Trách nhiệm của các trường đại học thường phải gắn với các viện nghiên cứu, với công nghiệp, nhưng nhiệm vụ này lâu nay vẫn chưa mạnh. Vậy thì Hội sẽ làm thế nào để kết hợp với các trường đại học và gắn với giới công nghiệp, doanh nghiệp thúc đẩy sự đổi mới trong công nghệ”.
Giáo sư - Tiến sĩ khoa học - Nhà giáo nhân dân Bành Tiến Long - Chủ tịch Hội Nghiên cứu biên tập công trình Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Vase)
“Lãnh đạo nhà trường quan tâm đến đổi mới sáng tạo bằng việc điều chỉnh tầm nhìn, sứ mạng. Giảng viên quan tâm đến đổi mới sáng tạo bằng việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu của mình đi ra ứng dụng. Sinh viên quan tâm đến đổi mới sáng tạo bằng cách học kỹ năng và kiến thức về đổi mới sáng tạo. Với sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan như vậy thì chúng ta sẽ có sự phát triển đồng bộ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng nhóm cố vấn của Ủy ban Cải cách Giáo dục Quốc gia nhấn mạnh.
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng nhóm cố vấn của Ủy ban Cải cách Giáo dục Quốc gia
Tại phiên chuyên đề, các nhà khoa học cũng đã phổ biến kết quả nghiên cứu mới nhất và những tiến bộ trong lĩnh vực kỹ thuật hóa học và công nghệ sinh học công nghiệp; tập trung thảo luận về Đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học đời sống và vật liệu thông minh; nâng cao sản xuất và kỹ thuật công nghiệp; Đổi mới sáng tạo trong kinh tế chia sẻ và khoa học bền vững.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9