(HTV) - “Thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng phải bền vững“ là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn thương mại điện tử TP.HCM do Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức.
Yếu tố phát triển ngày càng cấp thiết khi TP.HCM là trung tâm thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất cả nước, với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm.
Quang cảnh Diễn đàn Thương mại điện tử TP.HCM
Theo các chuyên gia, thương mại điện tử đang bước vào giai đoạn mới, không đơn thuần là đón xu hướng mà phải chủ động các giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa những người bán hàng về cả chất lượng hàng hóa lẫn trách nhiệm thuế.
Phiên livestream quy mô lớn, kết hợp mua sắm với giải trí tổ chức tại Đường đi bộ Nguyễn Huệ ngày 10/11
Trong 6 tháng năm 2024, 3,7 triệu doanh nghiệp đang kinh doanh có được nguồn thu nhập trên Tiktokshop. Điều đó cho thấy nếu doanh nghiệp không tận dụng xu thế TMĐT, internet thì sẽ bị tụt hậu.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện Tiktok tại Việt Nam
“Thương mại điện tử đang bước vào giai đoạn mới, không đơn thuần là đón xu hướng mà hướng tới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa những người bán hàng về cả chất lượng hàng hóa lẫn trách nhiệm thuế”, ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện Tiktok tại Việt Nam nhận định.
Quy trình đơn hàng
Một đơn hàng đến tay người tiêu dùng cần sự phối hợp nhịp nhàng của chuỗi giá trị TMĐT với nhiều thành phần. Trong đó, một số thành phần cơ bản là: nền tảng TMĐT, công nghệ, logistics, người bán, người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, truyền thông, chính sách. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường chủ yếu tập trung ở nền tảng TMĐT, còn thành phần mang tính chất "xương sống", "nền tảng" là sản xuất lại đang gặp rất nhiều khó khăn.
"Ngoài ưu đãi của Nhà nước, doanh nghiệp còn cần hỗ trợ kỹ năng phân phối, kỹ năng tiếp thị, điều hành quản lý như thế nào để đạt được tiêu chuẩn xanh, chi phí tốt nhất," bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ.
Nhằm giải quyết khó khăn, không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho các thành viên tham gia thị trường TMĐT, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp với các đơn vị công bố "Sáng kiến thành lập liên minh thương mại điện tử phát triển bền vững."
Liên minh thương mại điện tử phát triển bền vững
Không chỉ là nơi kết nối doanh nghiệp, Liên minh còn cung cấp một nền tảng hỗ trợ về nguồn lực, kiến thức và công nghệ, hướng tới xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử đầu tiên tại Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Hoành Sử, Trưởng khoa Hệ thống thông tin, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết: "Có thể đầu tiên chúng ta có chương trình năm 2025, những hoạt động thường xuyên liên tục các sự kiện xúc tiến thương mại, chương trình thúc đẩy chuyển đổi số, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp... ngoài thành viên liên minh mong muốn cơ quan truyền thông, hiệp hội, hiện đoàn liên tục tham gia biến những cam kết, định hướng của liên minh thành những hành động cụ thể."
Tiến sĩ Lê Hoành Sử, Trưởng khoa Hệ thống thông tin, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) chia sẻ: "Vừa rồi chúng tôi cho ra mắt chi hội về KOL, KOC để cho mọi người cùng tương tác, cập nhật kiến thức, họ tham gia vào là được bảo vệ, đồng thời chính bản thân họ được cập nhật những quy định để có sự tôn trọng nhất định".
Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết: "Cùng với chính sách chung của quốc gia, TP.HCM cũng đã có ý kiến đề xuất về việc đảm bảo hàng hóa chất lượng trên sàn TMĐT và phải thu thuế được. Riêng ở TP, có các chương trình thúc đẩy TMĐT tập trung vào đào tạo, nhận thức, tối ưu hóa hạ tầng, trong đó quan trọng nhất sắp tới là hạ tầng logistics và hạ tầng công nghệ. Tôi cho rằng đây là những điểm chính mà chúng ta phải tập trung.
Theo Viện nghiên cứu phát triển Thành phố, ưu tiên hiện tại là cần truyền tải thông điệp chính xác cho doanh nghiệp và các tiểu thương, rằng: việc thúc đẩy TMĐT không đồng nghĩa là "dấu chấm hết" cho chợ truyền thống. TMĐT không phải chỉ là hàng hóa xuyên biên giới mà thông qua các kênh này góp phần thúc đẩy sản xuất hàng Việt, qua đó giữ cho "nhịp đập" TMĐT Thành phố phát triển bền vững, gắn kết với vùng nguyên liệu, vùng sản xuất ĐBSCL và Đông Nam bộ.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9