Tín dụng xanh: Thực trạng và giải pháp

THANH VÂN - HỒ ĐỨC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 26/9/2023, 16:36

(HTV) - Khác với những khoản vay thông thường, tín dụng xanh đòi hỏi các dự án phải đáp ứng các tiêu chí xanh. Thế nhưng, hiện nay, chưa có tiêu chí thống nhất về "dự án xanh", nên mỗi ngân hàng lại thẩm định theo tiêu chí riêng.

Doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng xanh

Tín dụng xanh khi được sử dụng hiệu quả, có thể điều vốn đến các dự án đóng góp trực tiếp vào các cam kết giảm phát thải của các ngành kinh tế. Thế nhưng, theo các chuyên gia, tại Việt Nam, tăng trưởng tín dụng xanh giai đoạn vừa qua chủ yếu đến từ tác động chính sách, yêu cầu từ phía Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng trong hệ thống, chưa xuất phát từ thị trường; đồng thời các doanh nghiệp cũng chưa biết cách tiếp cận, thu hút nguồn vốn tín dụng xanh từ các nguồn quỹ quốc tế và trong nước.

Tính đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh mới đạt gần 500.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế, vẫn còn khiêm tốn trong tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh cũng chỉ đạt mức 25 -35%, vì vậy cần có nhiều giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy nguồn vốn này.

Cần nhiều giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy nguồn vốn tín dụng xanh

Để thúc đẩy sự hấp thụ của nguồn vốn vay xanh, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang xây dựng bộ quy chuẩn danh mục xanh phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo kế hoạch đến năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu phấn đấu ít nhất 10 - 12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, và 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: