(HTV) - Sáng 07/10, nhóm Hồi giáo Hamas bất ngờ phóng hàng ngàn rocket từ Dải Gaza, đồng thồi điều động các tay súng tấn công nhiều mục tiêu trên khắp lãnh thổ Israel. Đây là một trong những động thái leo thang căng thẳng nghiêm trọng nhất tại khu vực.
Lượng rocket quá lớn cùng với hàng loạt máy bay không người lái khiến hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel quá tải và không thể đánh chặn toàn bộ.
Cảnh sát Israel sơ tán người dân khỏi nơi bị trúng rocket của Hamas ở thành phố Ashkelon ngày 07/10/2023. Nguồn ảnh: AP
Hamas gọi cuộc tấn công Israel là “Chiến dịch Cơn lũ Al-Aqsa” và cho biết nguyên nhân là do Israel leo thang tấn công người Palestine. Các tay súng Hamas đã vượt biên giới tấn công nhiều khu định cư Do Thái, đồng thời bắt giữ nhiều binh sĩ Israel, trong đó có cả các sĩ quan cấp cao. Nhóm này định đàm phán trao đổi tù nhân để đổi lấy tự do cho tất cả người Palestine bị giam giữ trong các nhà tù ở Tây Jerusalem.
Ngay sau đó, Thủ tướng Israel tuyên bố tình trạng chiến tranh trong khi quân đội Israel phát động “Chiến dịch Thanh kiếm Sắt” nhắm vào nhóm Hamas ở Gaza.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố tình trạng chiến tranh ngày 07/10/2023. Nguồn ảnh: AP
"Đây không phải một chiến dịch mà là chiến tranh. Sáng nay, tôi đã triệu tập các lãnh đạo lực lượng an ninh các bộ ngành và ra lệnh truy quét những kẻ khủng bố xâm nhập vào Israel khỏi các khu vực dân cư. Sau đó, tôi đã ra lệnh huy động rộng rãi lực lượng dự bị. Kẻ thù sẽ phải trả một mức giá mà chúng chưa bao giờ biết đến.” - Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói.
Tính đến ngày 10/10, quân đội Israel đã huy động thêm 360.000 quân dự bị trong khi các phương tiện quân sự được triển khai đến miền Nam Israel.
Trong lúc này, giao tranh giữa hai bên vẫn diễn ra quyết liệt, ít nhất 900 người Israel và hơn 680 người Palestine thiệt mạng. Những con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Avivit Arzan, người dân ở thành phố Ashkelon, Israel. Nguồn ảnh: Reuters
Avivit Arzan, người dân ở thành phố Ashkelon, Israel, cho biết: "Nhà tôi đã bị phá hủy do rocket. Thật kinh khủng! Không còn nơi nào an toàn cả!"
Shadi Al-asi, người dân ở Gaza. Nguồn ảnh: AFP
Shadi Al-asi, người dân ở Gaza, cho biết: "Chúng tôi lo sợ những sự tàn phá sẽ đẩy cuộc sống của người dân ở Dải Gaza vào khốn cùng."
Xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine
Những diễn biến dồn dập giữa nhóm Hamas và lực lượng Israel đã gây sốc dư luận, song không phải chưa từng có tiền lệ. Đây được cho là hệ quả của xung đột kéo dài hàng thập kỷ qua giữa Palestine và Israel.
Hamas là nhóm chiến binh của Palestine, hoạt động với mục tiêu thành lập một nhà nước Palestine độc lập.
Từ năm 2007, Hamas kiểm soát Dải Gaza, một vùng đất ven biển có khoảng hơn 2 triệu người Palestine, và tiến hành nhiều cuộc chiến chống lại Israel.
Trong khi Mỹ gọi Hamas là khủng bố, Israel cũng tuyên bố Hamas là "thế lực thù địch", đồng thời áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt bao gồm cắt điện, hạn chế nhập khẩu và đóng cửa biên giới ở Dải Gaza.
Các tay súng Hamas tiến về hàng rào biên giới với Israel từ Khan Yunis ở phía Nam Dải Gaza ngày 07/10/2023. Nguồn ảnh: AFP
Về phần mình, giới lãnh đạo Hamas tuyên bố lực lượng này sẵn sàng cho cuộc chiến lâu dài với Israel và đã chuẩn bị cho các kịch bản xấu nhất, trong đó có viễn cảnh Israel triển khai bộ binh vào Dải Gaza và Bờ Tây. Hamas kêu gọi toàn bộ người dân Palestine cầm súng chiến đấu, đồng thời đề nghị các nước Ả rập và Hồi giáo ủng hộ.
Kế hoạch của Hamas và lỗ hổng tình báo Israel
Cuộc tấn công quy mô lớn của Hamas vào Israel cho thấy Hamas đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đồng thời làm lộ những lỗ hổng trong tình báo Israel.
Đầu tiên, kế hoạch tấn công đã được giữ kín cho đến phút chót, không chỉ trong Hamas mà còn ở các phe phái vũ trang khác tại Gaza. Đây là điều chưa từng xảy ra trong các đợt giao tranh trước đây vì Israel dễ dàng phát hiện được việc Hamas tích trữ khí tài và vũ khí cần thiết cho cuộc tấn công quy mô.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng Hamas có thể đã sử dụng chiến thuật nghi binh và thay đổi cách thức tấn công để tạo ra sự hỗn loạn tối đa khi đồng thời vừa bắn rocket, vừa xâm nhập lãnh thổ Israel bằng đường bộ, đường thủy và đường không.
Thứ hai, tình báo Israel có thể đã không nắm được nhiều bước quan trọng trong đợt tấn công của Hamas, đặc biệt là khâu chuẩn bị cuối cùng khi các tay súng Hamas tập trung lực lượng và tiếp cận các khu vực biên giới. Các khu vực này trước đây vẫn được bảo vệ hiệu quả với hàng rào, cảm biến được các chuyển động mặt đất và các ụ súng điều khiển từ xa.
Đợt tấn công còn xảy ra vào thời điểm Israel đang đối mặt sự chia rẽ chính trị nghiêm trọng trong nước, bạo lực ngày càng gia tăng ở Bờ Tây và các cuộc đàm phán cấp cao đang diễn ra giữa Israel, Ả-rập Xê-út và Mỹ.
Giới chức Mỹ cũng bất ngờ và cho biết không nhận được thông tin tình báo nào về đợt tấn công dù vẫn theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu căng thẳng trong khu vực.
Nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho xung đột
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 08/10 đã có phiên họp khẩn về tình hình xung đột giữa nhóm Hamas và Israel nhưng không đưa ra tuyên bố chung hay một nghị quyết nào mang tính ràng buộc.
Theo một số quốc gia, Hội đồng Bảo an cần tập trung hướng tới các biện pháp giải quyết tình hình hiện nay. Nga và Trung Quốc khẳng định cần lập tức chấm dứt giao tranh và tiến tới ngừng bắn, cũng như khởi động các cuộc đàm phán có ý nghĩa. Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất UAE cho biết nước này đang sử dụng các mối quan hệ trong khu vực để giảm căng thẳng.
Trong khi đó, lãnh đạo các nước Mỹ, Đức, Anh, Pháp và Italia đã ra tuyên bố chung ngày 09/10 lên án các cuộc tấn công của nhóm vũ trang Hamas, đồng thời bày tỏ "sự ủng hộ kiên định và thống nhất" đối với Israel. Tuyên bố nêu rõ: "Trong những ngày tới, chúng tôi vẫn sẽ đoàn kết và phối hợp, cùng nhau với tư cách là đồng minh và là bạn bè chung của Israel, để đảm bảo Israel có thể tự vệ và cuối cùng là đặt ra các điều kiện cho một khu vực Trung Đông hòa bình và hội nhập".
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9