UBND TP.HCM vừa ban hành Quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP, có hiệu lực từ ngày 24/11/2018.
Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại trước khi tiến hành thu gom, vận chuyển và xử lý nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người.
Cụ thể, chất thải rắn được phân thành 3 nhóm: chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh) và chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).
Chất thải rắn phải được lưu chứa trong túi rác, thùng rác, đảm bảo vệ sinh môi trường, không quy định màu sắc; khuyến khích sử dụng túi có màu trắng, màu xanh để chứa chất thải hữu cơ và màu sắc khác (trừ màu trắng, màu xanh) để chứa chất thải còn lại; sử dụng thùng rác chuyên dùng của các nhà sản xuất có màu xanh để chứa chất thải hữu cơ và thùng rác có màu xám để chứa chất thải còn lại.
Túi chứa chất thải hữu cơ hoặc túi chứa chất thải còn lại được phân biệt bằng các hình thức như: dán nhãn, ghi dòng chữ trên túi, màu sắc túi hoặc đánh dấu để nhận biết trước khi chuyển đến điểm tập kết hoặc giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển.
Đối với nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (hay còn gọi là phế liệu), hộ gia đình, chủ nguồn thải có thể bán hoặc cho các tổ chức, cá nhân thu mua phế liệu hoặc các tổ chức, cá nhân thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Trường hợp không bán hoặc cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu thì chủ nguồn thải, hộ gia đình bỏ chung với thùng chứa rác còn lại.
Chất thải hữu cơ sẽ được tổ chức thu gom vào các ngày thứ hai, tư, sáu, Chủ nhật trong tuần. Chất thải còn lại sẽ được tổ chức thu gom vào các ngày thứ ba, năm, bảy trong tuần.
Ngoài ra, TP cũng khuyến khích việc xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt thân thiện với môi trường.