(HTV) - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM, vừa công bố việc đào tạo hai ngành học mới: thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn.
Hai ngành học mới được ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường công nghiệp vi mạch và bán dẫn tại Việt Nam. Với mức điểm chuẩn cho ngành thiết kế vi mạch là 25,9 và ngành công nghệ bán dẫn là 25,1.
Hai ngành học mới thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu cho thị trường công nghệ vi mạch bán dẫn
Theo PGS.TS. Trần Lê Quan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, mặc dù đây là năm đầu tiên tuyển sinh hai ngành học mới, trường đã đầu tư vào cơ sở vật chất và xây dựng các phòng thí nghiệm để đảm bảo chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng cần tiếp tục đầu tư để phát triển ngành công nghệ bán dẫn, nhằm đáp ứng xu thế phát triển của xã hội.
Hai ngành học mới đã được nhà trường đầu tư nhiều cho công tác đào tạo
Để thực hiện chiến lược đào tạo 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ thiết kế vi mạch, và cấp chứng chỉ công nghiệp cho khoảng 15.000 kỹ sư đến năm 2030, Đại học Quốc gia TP.HCM đã chuẩn bị chương trình đào tạo chi tiết và hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết trường đã học hỏi từ các quốc gia tiên tiến về công nghệ bán dẫn và thiết kế vi mạch để xây dựng chương trình đào tạo. Đồng thời, trường đã ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đầu tư 80 tỷ đồng để xây dựng hai phòng thí nghiệm mới.
Ông Quân chia sẻ Đại học Quốc gia đã có nhiều sự hợp tác quốc tế nhằm đầu tư cho chương trình đào tạo
Các chuyên gia nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn và vi mạch. Ông Kenneth Tse, Phó Chủ tịch Khối Dịch vụ Sản xuất và Chuỗi cung ứng, Tổng Giám đốc Intel Products Việt Nam, cho rằng sự hợp tác giữa nhà trường, nhà nước và doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để phát triển chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ông Đỗ Đức Dũng, Giám đốc Giải pháp Phần mềm tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam, cũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ các trường đại học trong việc xây dựng chương trình đào tạo có tính thực tiễn cao, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận doanh nghiệp ngay trong quá trình học tập.
Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến cần khoảng 26.000 tỷ đồng. Sự nỗ lực từ các trường đại học và đầu tư từ các cấp chính quyền là yếu tố quan trọng để xây dựng đội ngũ nhân lực có trình độ cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn phục vụ cho thị trường quốc tế.
Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn được kỳ vọng sẽ đóng góp mạnh cho nền kinh tế Việt Nam
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV