(HTV) - Sáng nay, đã diễn ra Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
"Chỉ tiêu tăng trưởng 7,5-8% trong năm 2024 được xác định là cao và thách thức. Vì vậy, cần tập trung thảo luận, đề ra phương án hiệu quả để đạt được mục tiêu trên, cần có giải pháp để không lặp lại kịch bản của quý I năm 2023." Đây là chỉ đạo của đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM tại hội nghị.
Đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM; cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM; Thường trực UBND TP.HCM.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, hội nghị sẽ thảo luận sâu các nhiệm vụ, giải pháp năm 2024, năm còn nhiều khó khăn chuyển tiếp từ 2023, và cũng là năm tăng tốc để kết thúc nhiệm kỳ. Trong đó, tập trung phân tích về khả năng hấp thụ vốn của thị trường còn thấp, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng; tiến độ giải quyết công việc còn chậm, công tác phối hợp chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, còn tâm lý chờ đợi chỉ đạo mà chưa chủ động nghiên cứu đề xuất tham mưu để có phương án. Hay sự phối hợp tham mưu UBND TPHCM của các sở, ngành còn chưa đồng bộ.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, năm 2023, dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng TP.HCM làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá.
Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2023 ước đạt 1.621,191 tỷ đồng, tăng 5,81% so với năm 2022. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 446.545 tỷ đồng, đạt 95,07%. Về tình hình thực hiện vốn đầu tư công, tính đến ngày 30/12/2023, tổng vốn kế hoạch đầu tư công đã giải ngân là hơn 42.931 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 63% tổng số vốn giao. Ước đến ngày 31/01/2024, giải ngân đạt 72% so với tổng số vốn được giao. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,6%, trong đó 04 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 7,4%. Vốn FDI đạt gần 5,9 tỷ USD (tăng gần 50%), kiều hối về đạt gần 9 tỷ USD (tăng 38%).
Trước những dự báo về tình hình thế giới và trong nước, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong năm 2024 dự báo sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức bên cạnh những cơ hội mới. TP.HCM xác định Chủ đề công tác năm 2024 là: “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”.
Theo đó, TP.HCM xây dựng 18 chỉ tiêu chủ yếu bao gồm:
Trong đó, có một số chỉ tiêu quan trọng:
Để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu này, UBND TP.HCM đề xuất 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Bên cạnh đó, các Sở ngành, đơn vị cũng tích cực triển khai các giải pháp ngay từ đầu năm 2024.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết: "TP.HCM đứng đầu cả nước với số vốn hơn 5 tỷ USD, tăng hơn 50%. Hơn 53 ngàn doanh nghiệp thành lập, tăng 13%, lần đầu tiên vượt con số 50 ngàn. TP.HCM đạt mốc kỷ lục hơn 66 ngàn doanh nghiệp hoạt động trong năm. Năm 2024, đề xuất các giải pháp: Đầu tư công có 5 giải pháp: quán triệt nâng cao năng lực chủ đầu tư, bám sát và giám sát định kỳ, đẩy nhanh bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), phân cấp uỷ quyền, phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tăng cường số hoá và tăng cường hỗ trợ các nhà đầu tư. Liên kết vùng với 38 địa phương của cả nước, phải tăng cường đầu tư hạ tầng vùng, phối hợp với các vùng để đẩy mạnh phối hợp".
Theo ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM: "7 nhóm giải pháp CCHC, tuyên truyền chủ đề năm đến các ngành các cấp, chủ động phối hợp với các Bộ ngành Trung ương hoàn thành các nội dung của NQ98, tăng tốc thực hiện chương trình tổng thể CCHC, triển khai các nền tảng số, tăng cường công tác kiểm tra CCHC, tăng cường hợp tác quốc tế về CCHC, chuyển đổi số, thúc đẩy nền hành chính".
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM phát biểu tại hội nghị: "TP.HCM xác định mục tiêu chung của chuyển đổi số là quản trị và nâng cao đời sống của người dân. Đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: xây dựng hạ tầng số, mở rộng vùng phủ sóng mạng 5G, xây dựng dữ liệu mở; xây dựng chính quyền số; thúc đẩy Kinh tế số, đây là động lực mới; đẩy mạnh xã hội số và xây dựng công dân số; Đảm bảo hiệu quả an toàn thông tin".
"Tiếp tục phối hợp để phát triển công nghiệp, chuyển đổi xanh, kết nối ngân hàng, phát huy các đơn hàng có sẵn; thực hiện thúc đẩy thiện trường tiêu dùng trong nước; phát huy các hoạt động để chuẩn bị các chương trình xúc tiến ở các thị trường ngách, các chương trình khuyến mãi; đầu tư phát triển các hoạt động logistics; phát huy thực hiện chương trình bình ổn thị trường để đảm bảo ASXH. Xác định 54 nội dung sẽ triển khai", Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết.
TS. Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 cho rằng, mức tăng trưởng năm 2024 đề ra là thách thức lớn, khó nhưng không thể không làm được. TP.HCM cần có bộ hệ thống quy định những nội dung phân cấp phân quyền rõ ràng thì mới gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là trong đầu tư công.
Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98
Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 kiến nghị rằng: "Nên tập trung vào những nội dung NQ98 chưa xong, nhanh chóng hoàn thiện NĐ93 phân cấp phân quyền, kiến nghị Chính phủ xử lý tháo gỡ những công trình tồn đọng, thứ 3 là nguồn lực doanh nghiệp nhà nước, tổ chức lại, cổ phần hoá, phải xây dựng cho được doanh nghiệp là công cụ mở đường cho hạ tầng đô thị, tạo sức dẫn dắt trong đầu tư và thu hút vốn".
Thông tin về chăm lo Tết Nguyên đán 2024, Giám đốc Sở LĐTB-XH TP.HCM Lê Văn Thinh cho biết, TP.HCM dành hơn 1.102 tỷ đồng chăm lo Tết. Trong đó, ngân sách thành phố bố trí 915 tỷ đồng để chăm lo cho các diện chính sách có công, cán bộ hưu trí, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể vận động chăm lo Tết Giáp Thìn cho các đối tượng với kinh phí hơn 187 tỷ đồng. Điểm mới của công tác chăm lo Tết Giáp Thìn 2024 là TP.HCM mở rộng diện chăm lo trẻ em, người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt thật sự khó khăn với hơn 3.000 trường hợp.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9