(HTV) - Trong năm học này, suất ăn bán trú tại nhiều đơn vị trường học tại TP.HCM có thay đổi, nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn phục vụ học sinh.
Tại trường tiểu học Trưng Trắc, Quận 11, trung bình mỗi ngày cung cấp bữa trưa cho hơn 1000 học sinh bán trú. Để đảm bảo sức khỏe học sinh, các yếu tố như an toàn thực phẩm, cân bằng dinh dưỡng và ngon miệng trong mỗi bữa ăn luôn là những tiêu chí ưu tiên hàng đầu của nhà trường.
Bà Nguyễn Thị Bích Tuyền - Bếp trưởng bán trú Trường Tiểu học Trưng Trắc, Quận 11, TP.HCM cho biết: "Thực đơn theo tuần của trường được cô Tuyền xây dựng từ "Phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng" thuộc Dự án Bữa ăn Học đường vào mỗi thứ 4 hằng tuần, sau đó, thực đơn sẽ được Ban Giám hiệu kiểm tra và phê duyệt, trước khi nhà trường đặt nguyên liệu vào thứ 6 và chia sẻ thực đơn đến cha mẹ học sinh vào ngày thứ 2 tuần sau".
Bà Nguyễn Thị Bích Tuyền - Bếp trưởng bán trú Trường Tiểu học Trưng Trắc, Quận 11, TP.HCM
Theo bác sĩ Huỳnh Trung Tuấn - Trường Tiểu học Trưng Trắc, Quận 11, TP.HCM, nhiệm vụ của nhân viên y tế trường học, việc kiểm tra nguồn thực phẩm nhập vào, sau khi kiểm tra ngoại quan, thực phẩm đạt chuẩn, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, cá nhân kiểm tra mới ký vào Sổ Nhập Thực Phẩm Tươi Sống thì mới được tổ cấp dưỡng đưa vào chế biến.
Bà Võ Thị Viễn Nguyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Trắc, Quận 11, TP.HCM
Bà Võ Thị Viễn Nguyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Trắc, Quận 11, TP.HCM cho biết: "Nội bộ nhà trường chúng tôi quy định rõ ràng về phân công công việc, trách nghiệm và nghĩa vụ của các cá nhân tham gia công tác quản lý và tổ chức bữa ăn bán trú tại trường. Tổ cấp dưỡng của trường chúng tôi có 7 nhân viên đang làm việc với kinh nghiệm nấu ăn bán trú trung bình là 9 năm. Hằng năm, các cô được kiểm tra sức khỏe và được tập huấn kiến thức, kỹ năng về an toàn thực phẩm theo quy định chung".
Để tăng cường công tác nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học, trong 2 ngày 9 -10/12, Bộ giáo dục và đào tạo triển khai tập huấn tổ chức bữa ăn bán trú cho các trường tiểu học có tổ chức bữa ăn bán trú trên toàn địa bàn TP.HCM cho đối tượng là các phòng giáo dục, Ban giám hiệu các trường và nhân viên bếp ăn, đội ngũ y tế nhà trường.
Ông Nguyễn Kim Luyện - Phó Trưởng Phòng Chính trị Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết: "Trong chương trình tập huấn này thì các thầy cô sẽ được các giảng viên của trường Đại học sư phạm kỹ thuật tập huấn thế nào là đảm bảo dinh dưỡng nhất là các em học sinh tiểu học thì phải đủ dinh dưỡng nhưng không béo phì. Ngoài dinh dưỡng ra thì phải có thêm yếu tố là vận động để các em có thể phát triển toàn diện".
Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định: "Tuy rằng Dự án bữa ăn học đường với phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” đã được triển khai từ năm 2017 tuy nhiên có rất nhiều kiến thức mới, quy định mới của ngành giáo dục liên quan đến bữa ăn học đường. Chúng tôi lưu ý ở đây là không chỉ các trường có bữa ăn bán trú kể cả các trường không tổ chức bữa ăn tại trường mà có hợp đồng với các đối tác bên ngoài cũng phải có trách nhiệm làm việc với đối tác để làm sao đảm bảo được bữa ăn ngon, đúng dinh dưỡng cho các em".
Theo Sở giáo dục và đào tạo TP.HCM, ngoài việc vận dụng hiệu quả thực đơn cân bằng dinh dưỡng, trường học cần tổ chức thực đơn riêng cho HS suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì kết hợp các hoạt động tăng cường thể lực cho HS. Sở sẽ duy trì hoạt động kiểm tra định kỳ và đột xuất bữa ăn bán trú nhằm nâng cao chất lượng phục vụ tại các đơn vị.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9