Đây là một trong nhiều công nghệ và giải pháp về A.I. được TP.HCM đưa ra trong kế hoạch thúc đẩy và phát triển trí tuệ nhân tạo trên địa bàn.
Sinh viên nghiên cứu đưa trí tuệ nhân tạo (A.I.) vào các mô hình robot tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch "Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (A.I.) từ môi trường nghiên cứu đến thử nghiệm, thí điểm đến ứng dụng rộng rãi trong xã hội trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030".
Mục tiêu được thành phố đưa ra là phấn đấu trở thành trung tâm hàng đầu cả nước về nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng và phát triển nền tảng công nghệ A.I.
Về chỉ tiêu cụ thể, TP.HCM mong muốn thúc đẩy gia tăng 20%/năm số lượng các công trình khoa học, bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc quyền tác giả với phần mềm về A.I. hoặc ứng dụng A.I.
Hằng năm, TP.HCM sẽ gia tăng 10% số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp số phát triển, ứng dụng A.I. và tăng 10% nhân lực A.I. đạt chất lượng phục vụ cho nghiên cứu, triển khai và ứng dụng A.I. phục vụ đời sống kinh tế, xã hội thành phố.
Phấn đấu đến năm 2030, TP.HCM sẽ đảm bảo 100% các sở, ban ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức có ứng dụng A.I. phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Trong kế hoạch, UBND TP.HCM đặt nhiệm vụ tìm kiếm, triển khai các giải pháp A.I. phục vụ phát triển thành phố trên nhiều lĩnh vực cụ thể.
Chẳng hạn trong ngành y tế, TP.HCM đặt nhiệm vụ nâng cao hiệu quả quản lý dịch bệnh, trong đó sử dụng AI tổng hợp dữ liệu lớn, dữ liệu dùng chung đa ngành, đưa ra cảnh báo, tư vấn quản lý y tế cộng đồng, dịch bệnh.
Ngành y tế cũng có thể sử dụng A.I. để phân tích dữ liệu sức khỏe của người dân, dự đoán nguy cơ phát triển bệnh.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, TP.HCM sẽ tập trung nghiên cứu các công nghệ và giải pháp ứng dụng giáo viên ảo.
Cụ thể, giáo viên ảo sẽ được thiết kế để trả lời các câu hỏi mà học sinh thường hỏi như kế hoạch bài học, mô đun khóa học, bài tập.
Giáo viên ảo có thể theo dõi tiến độ học tập của học sinh qua hình thức một kèm một, cung cấp cho từng người tham gia những phản hồi được cá nhân hóa, giới thiệu cho học sinh những nội dung học tập phù hợp hơn bằng cách phân tích những kỹ năng học tập và những điểm còn thiếu sót của học sinh.
Các giải pháp A.I. còn được TP.HCM định hướng phục vụ quản lý học sinh. A.I. có thể phân tích thông tin học sinh như kết quả học tập, sức khỏe học đường, tâm sinh lý, nhu cầu giải trí... nhằm đưa ra đề xuất nâng cao hiệu quả học tập cho học sinh. Bên cạnh đó, các phân tích này sẽ được dùng để dự đoán và tư vấn định hướng lựa chọn trường, nghề nghiệp cho học sinh.
Một số nhiệm vụ, giải pháp khác được UBND TP.HCM đưa ra đến năm 2023 trong kế hoạch bao gồm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng A.I. phục vụ sản xuất, kinh doanh; triển khai tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về A.I. trực tuyến; xây dựng, vận hành phát triển nền tảng chia sẻ dữ liệu A.I.; triển khai các hội nghị, hội thảo quốc tế về nghiên cứu khoa học và ứng dụng A.I…
Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM được UBND TP.HCM giao chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và đơn vị liên quan triển khai thực hiện kế hoạch.
Nguồn: Tuổi trẻ
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9