(HTV) - Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
Tại TP.HCM, nhờ tập trung thực hiện hiệu quả chính sách, cùng nỗ lực vượt nghèo của người dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn thành phố có bước chuyển biến rõ nét.
Trước đây từng làm công nhân, nhưng vì công ty giải thể nên chị Phương ở quận Tân Phú thất nghiệp trong thời gian dài. Cuộc sống gia đình lẩn quẩn trong khó khăn. Nhìn thấy điều này, tổ trưởng tổ vay vốn của khu phố đã giới thiệu nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ xe cà phê nhỏ, sau nhiều lần vay, làm ăn hiệu quả, rồi đáo hạn, đến nay chị đã tạo dựng được một quán cà phê khang trang hơn, cuộc sống của gia đình chị từ đó cũng nhẹ gánh lo hơn.
Nhiều chính sách vay phù hợp, thuận lợi khiến gia đình chị Phương ở quận Tân Phú nhẹ gánh lo toan trong cuộc sống hơn
Tại các huyện ngoại thành, chương trình vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện cũng được các địa phương triển khai tích cực. Tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Sáu tháng qua, Hội nông dân đã kết nối và hỗ trợ 884 hội viên nông dân trên địa bàn với số tiền 520 triệu đồng.
Theo Ngân hàng chính sách xã hội TP.HCM, bình quân mỗi năm đơn vị cho vay khoảng 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Hiện tổng dư nợ cho vay trên địa bàn là 8.200 tỷ. Theo kế hoạch giải ngân nguồn vốn của thành phố bố trí, dự kiến từ tháng 08/2023 đến hết quý I/2024, ngân hàng sẽ giải ngân khoảng trên 2.500 tỷ đồng.
Theo Ngân hàng chính sách xã hội TP.HCM, bình quân mỗi năm đơn vị cho vay khoảng 1.500 - 2.000 tỷ đồng
"Chương trình cho vay tín dụng ưu đãi, vay giảm nghèo, giải quyết việc làm, cho học sinh sinh viên khó khăn, vay làm nước sạch môi trường nông thôn. Các chương trình tín dụng ưu đãi này đã hỗ trợ thiết thực. Uu đãi thiết thực ở chỗ: lãi suất thấp, cách tiếp cận hồ sơ thủ tục đơn giản, thuận lợi, người vay chỉ cần viết đơn vay còn lại thủ tục các hội đoàn thể trong tổ vay vốn ở các địa bàn sẽ hỗ trợ. Các hồ sơ của người vay được phát miễn phí, người vay được giao dịch trực tiếp với ngân hàng trên địa bàn phường, xã mà họ đang sinh sống. Trên địa bàn thì quận sẽ có chương trình vay làm dịch vụ chủ yếu còn ở ngoại thành thì trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa nhà… Mỗi lao động được vay 100 triệu lên đến tối đa là 10 năm. Ông Trần Văn Tiên - Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM cho biết.
Ông Trần Văn Tiên - Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM
Bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội TP.HCM nhấn mạnh: "Nghị quyết 98 thông qua, trên cơ sở đó thành phố cũng quyết liệt. Thành phố có chính sách bố trí vốn cũng như nhân sự cho các xã. Như vậy góp phần giảm áp lực cho nhân sự làm công tác giảm nghèo, bổ sung thêm nguồn vốn. Từ kết quả và kinh nghiệm suốt thời gian qua, đến cuối năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước. Từ đó, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cơ chế phối hợp, huy động tối đa các nguồn lực với phương châm không để ai bỏ lại phía sau".
Bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội TP.HCM
Mỗi người một hoàn cảnh, xuất phát điểm khác nhau, song với sự hỗ trợ của các cấp Chính quyền, các Đoàn thể địa phương cùng nghị lực vươn lên thoát nghèo. Mỗi năm trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều hộ gia đình đã thay đổi cuộc sống, vun đắp gia đình ngày càng ấm no, hạnh phúc.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9