(HTV) - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có công văn chỉ đạo về việc tăng cường kỷ cương hành chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay trong năm 2025.
Qua đó, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên 10% và tạo đà tăng trưởng thời gian tới.
Đây là mục tiêu rất thách thức vì quy mô tăng trưởng mức này không đơn giản, trong khi cơ cấu đóng góp vào GRDP đang chuyển dịch từ các ngành sản xuất truyền thống sang các ngành dịch vụ mới. Đây là thách thức kép, cần sự nỗ lực lớn với các nhóm giải pháp thiết thực, quyết liệt để vượt qua.
Đóng góp của ngành công nghiệp vào GRDP TP.HCM đang giảm
Xét về xuất khẩu - một lĩnh vực thế mạnh lâu nay của TP.HCM, khoảng 5 năm trước, tỷ trọng đóng góp xuất khẩu của khu vực Đông Nam Bộ chiếm trên 50% cả nước, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 1/3. Riêng TP.HCM, tỷ trọng sản xuất công nghiệp của Thành phố chỉ còn chiếm khoảng 24% GRDP. Mặc dù đây là hệ quả tất yếu của quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp, nhưng điều này phải đi đôi với việc khai thác những động lực tăng trưởng mới để giữ vững xuất khẩu, trước các áp lực về tỷ giá, rủi ro dòng tiền.
Xuất khẩu TP.HCM giảm mạnh, chuyên gia kinh tế lý giải vì sao?
Về lĩnh vực đột phá mới, cụ thể là kinh tế số được TP.HCM đặt mục tiêu đóng góp vào GRDP ở mức khoảng 25% vào năm 2025, và mức 40% vào năm 2030. Tiềm năng là rất lớn, quan trọng là cần có sự chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt để đón đầu các cơ hội và tạo bứt phá.
Chuyển đổi số được đẩy mạnh để tiến đến mục tiêu kinh tế số đóng gop 25% vào GRDP TP.HCM vào năm 2025 và 40% vào năm 2030
Ông Nguyễn Duy Thành - Chuyên gia Bất động sản chia sẻ: “Người dân TP.HCM sẽ dần dần quen với ứng dụng công nghệ và sẽ tạo ra một thành phố năng động hơn. Tải app Công dân số là điều rất đơn giản và về quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền thì app này cung cấp minh bạch các thông tin về hành chính công, minh bạch các chỉ số quy hoạch, sơ đồ quy hoạch, thì doanh nghiệp có thể tiếp cận với các dịch vụ công một cách nhanh hơn”.
TP.HCM cần làm gì để đạt mục tiêu tăng trưởng 25% vào năm 2025?
Tiến sĩ Trần Du Lịch – Chuyên gia kinh tế nhận định: “Thúc đẩy, tháo gỡ hấp thụ vốn trong nước, để làm sao kích hoạt lĩnh vực nội địa đi lên và đặc biệt là khu vực doanh nghiệp trong nước, cho doanh nghiệp Việt, thì như vậy chúng ta mới đi con đường bền vững. Bên cạnh đó, vấn đề cải cách thể chế, tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ, nâng hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, giảm phiền hà cho doanh nghiệp, người dân, rút ngắn quy trình thủ tục đầu tư để hấp thụ nhanh vốn. Đó chính là những cơ hội cho doanh nghiệp sắp tới”.
Doanh nghiệp nội địa sẽ là đối tượng đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng TP.HCM trong thời gian tới
Theo tính toán, để đạt mức tăng trưởng GRDP kỳ vọng, TP.HCM cần huy động một nguồn lực tài chính lớn, với tổng đầu tư toàn xã hội dự kiến lên đến 500.000 tỉ đồng. Ngân sách nhà nước chỉ chiếm 20%, phần còn lại sẽ phải dựa vào sự huy động từ các nguồn xã hội.
Thành phố nhấn mạnh nguyên tắc quản lý dựa trên 5 yếu tố trọng tâm: Minh bạch trong trách nhiệm, nhiệm vụ, người thực hiện, tiến độ và kết quả cuối cùng. Nếu các giải pháp đồng bộ phát huy hiệu quả, đây sẽ là nền móng cho sự phát triển ổn định trong dài hạn.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9