(HTV) - TP.HCM đang tìm kiếm các giải pháp hiệu quả để thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh và phát triển thị trường tín chỉ carbon.
Với lượng phát thải từ giao thông vận tải chiếm 13 triệu tấn CO₂ mỗi năm, TP.HCM đang đối mặt với áp lực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trước thực trạng này, Thành phố đã và đang triển khai các giải pháp giao thông xanh nhằm giảm phát thải và hình thành tín chỉ carbon như xe điện hai bánh, mô hình xe đạp chia sẻ và các chương trình thí điểm hỗ trợ từ quốc tế. Những sáng kiến này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vận hành, cải thiện chất lượng không khí mà còn tạo ra nguồn thu từ tín chỉ carbon.
Tọa đàm "Tạo tín chỉ carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải tại TP.HCM"
Không khí tại buổi tọa đàm
Dù có nhiều tiềm năng, hành trình phát triển tín chỉ carbon tại TP.HCM còn đối mặt với nhiều thách thức. Chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, cơ chế chứng nhận tín chỉ carbon chưa hoàn thiện, thiếu nguồn nhân lực và tài lực, cùng với cơ sở hạ tầng còn hạn chế là những rào cản lớn.
Xe buýt điện êm, không khí thải, có hệ thống kiểm soát hành vi của người lái, cảnh báo nguy cơ gây mất an toàn
Mô hình xe đạp công cộng xanh góp phần giúp hạn chế khí thải carbon
Các chuyên gia đã tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp hiệu quả để thúc đẩy việc chuyển đổi giao thông xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Tiến sĩ Trần Đức Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98
Để đạt được mục tiêu không khí trong lành, TP.HCM cần một kế hoạch hành động chi tiết trong 10 năm tới. Tiến sĩ Trần Đức Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 cho biết đề án này phải bao gồm những chỉ tiêu cụ thể về giảm lượng khí thải, đồng thời gắn liền với các dự án giao thông trọng điểm như metro, xe buýt điện và phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông - Vận tải Trường Đại học Việt Đức
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông - Vận tải Trường Đại học Việt Đức, việc chuyển đổi 2600 xe buýt tại TP.HCM đến năm 2030 không chỉ giảm thiểu ô nhiễm mà còn tạo ra một lượng lớn tín chỉ carbon. Đây là cơ hội để Thành phố thu về nguồn thu đáng kể thông qua việc bán tín chỉ carbon, góp phần hỗ trợ chi phí vận hành hệ thống xe buýt.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Võ Trường An - Công ty Cổ phần Sàn Giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN đã kêu gọi các cơ quan chức năng cần linh hoạt hơn trong việc xây dựng chính sách cho thị trường tín chỉ carbon. Ông cho rằng việc trì hoãn có thể khiến Việt Nam mất đi cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư xanh, đồng thời làm chậm quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế.
TP.HCM đang tìm kiếm các giải pháp hiệu quả để thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh và phát triển thị trường tín chỉ carbon
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về việc giảm sử dụng phương tiện cá nhân, nghiên cứu áp thuế đối với khí thải nhà kính, triển khai các chương trình hỗ trợ cho cá nhân và doanh nghiệp để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tạo thêm hàng rào kỹ thuật đối với các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch... cũng là những giải pháp mà các chuyên gia và nhà khoa học đã đề xuất trong tọa đàm.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9