(HTV) - Kiều bào đang tận dụng cơ hội đầu tư tại TP.HCM nhờ chính sách mở cửa và tiềm năng phát triển của Thành phố.
Thay vì chỉ đơn thuần chuyển về cho người thân, bạn bè như trước đây, hiện hơn 20% dòng tiền của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tận dụng nguồn lực kiều bào đầu tư vào sản xuất, kinh doanh là giải pháp giúp đầu tàu kinh tế TP.HCM có thêm động lực tăng trưởng.
Trung tâm kiểm định Hoàn Vũ (Quận Tân Phú, TP.HCM)
Sau 30 năm gắn bó, nhà khoa học Bùi Xuân Hoàng đã từ bỏ công việc của một chuyên gia đầu ngành kiểm thử tại Mỹ trở về nước. Với mong muốn nâng tầm nông sản Việt, ông đã đầu tư Trung tâm kiểm định Hoàn Vũ tại địa phương dẫn đầu xuất nhập khẩu cả nước là TP.HCM. Từ trung tâm này, hàng năm, 3.000 lô thanh long, 5.000 container mật ong đã được kiểm thử và đạt tỷ lệ xuất khẩu thành công sang các thị trường "khó tính" là Mỹ và Châu Âu.
Nhà khoa học Bùi Xuân Hoàng đã từ bỏ công việc của một chuyên gia đầu ngành kiểm thử tại Mỹ trở về nước
Nhận định TP.HCM không chỉ là thị trường lớn mà còn sở hữu vị trí chiến lược, cửa ngõ trung chuyển hàng hóa quan trọng của khu vực và cả nước, kiều bào Mỹ Lâm Chí Thiện - Chủ tịch Công ty Cổ phần nhãn bao bì Vina Úc cho rằng doanh nghiệp sẽ "rót" thêm vốn cho nhà máy hiện hữu tại huyện Bình Chánh trong năm nay và năm sau, đồng thời có kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy quy mô lớn cũng tại huyện ngoại thành này.
Ông Lâm Chí Thiện - Kiều bào Mỹ - Chủ tịch Công ty cổ phần nhãn bao bì Vina Úc
Ông Lâm Chí Thiện - Chủ tịch Công ty Cổ phần nhãn bao bì Vina Úc đã có những nhận xét tích cực về môi trường đầu tư tại TP.HCM. Theo ông Thiện, Thành phố Hồ Chí Minh là một thị trường đầy tiềm năng với dân số đông, chất lượng nguồn nhân lực cao và cơ sở hạ tầng hiện đại. Đặc biệt, chính sách mở cửa và xu hướng số hóa của thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Nhà máy Công ty cổ phần nhãn bao bì Vina Úc tại huyện Bình Chánh, TP.HCM
TP.HCM là một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo. Do đó, trên cơ sở những lợi thế sẵn có, kiều bào mong muốn TP.HCM tiếp tục có chính sách hỗ trợ để đầu tư vào một số ngành "có tiềm năng nhưng còn nhiều thách thức". Chẳng hạn như: lĩnh vực văn hóa còn nhiều không gian phát triển nhưng thời gian hoàn vốn lâu, lĩnh vực công nghệ cao cần nguồn vốn lớn và rủi ro cũng cao, do đó cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ vay vốn.
TP.HCM là một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo
Ngoài chính sách của TP.HCM, kiều bào cũng mong muốn Việt Nam mở rộng quyền đầu tư cho kiều bào trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là bất động sản và trái phiếu.
Nhà máy Công ty cổ phần nhãn bao bì Vina Úc tại huyện Bình Chánh, TP.HCM
Cả nước hiện có hơn 6,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó hơn 2 triệu kiều bào liên kết với TP.HCM. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, 09 tháng năm 2024, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt gần 7,4 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kiều hối chuyển về thông qua tổ chức kinh tế (các công ty kiều hối) đạt gần 5,5 tỷ USD, chiếm 74,2%, còn chuyển qua các tổ chức tín dụng đạt hơn 1,9 tỷ USD, chiếm 25,8% tổng lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9