(HTV) - Bộ Giao thông Vận tải đã có buổi làm việc với các địa phương gồm TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu liên quan về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM.
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Phan Văn Mãi - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại buổi làm việc
Tuyến Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài 206,8km đi qua 5 tỉnh, thành phố. Trong đó, đoạn thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,7km, Đồng Nai: 45,6km, Bình Dương: 47,45km,TP.HCM: 17,3km và Long An: 78,3km.
Ở giai đoạn 1, dự án có bề rộng mặt đường từ 22 mét - 27 mét, bao gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Tổng mức đầu tư giai đoạn này khoảng 105.964,6 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 33.095 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 47.258 tỷ đồng, các chi phí quản lý dự án và tư vấn khoảng 25.611 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề xuất có thể tín nhiệm Tổng công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải (TEDI) làm tư vấn dự án, bởi đơn vị này từng tham gia dự án Vành đai 4 TP. Hà Nội và Vành đai 3 TP.HCM nên có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.
Về phương thức đầu tư, có 2 phương án: phương án 1 là các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án tại mỗi tỉnh. Phương án 2 là gộp toàn bộ tuyến Vành đai 4 thành một dự án để thực hiện.
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết: “Tuyến đường này đặc biệt kết nối các cao tốc, nên đoạn nào nếu hoàn thành trước sẽ phát huy hiệu quả ngay. Nhược điểm là các địa phương có vướng mắc gần như giống nhau: Giữa 2 địa bàn, cần có 1 đơn vị chủ quản. TP.HCM đã có Nghị quyết 98, trong khi đó các địa phương khác vẫn gặp khó về nguồn vốn, đặc biệt là các tỉnh Long An, Đồng Nai. Đây là 1 dự án rất lớn, là năm kề cuối của nhiệm kỳ trung hạn, nên nhược điểm tổng thể sẽ rất lớn: các dự án thành phần sẽ tạm dừng, làm lại, mất thời gian, trong khi 1 số địa phương đã hoàn thành”.
Giám đốc Trần Quang Lâm nêu ra những vướng mắc giữa các địa phương khiến cho tổng thể dự án đường Vành đai 4 còn gặp nhiều khó khăn
Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An, ông Trần Thiện Phúc cho biết những khó khăn mà địa phương đang gặp phải: “Đoạn qua tỉnh Long An vừa khó nhất lại có chiều dài lớn nhất, mức đầu tư cao nhất, tuy nhiên nguồn lực lại thấp nhất. Vì vậy cần thống nhất phương án, các cơ chế cần có để hoàn thiện. Hiện tại, tỉnh Long An đã có chủ trương nhưng vẫn còn vướng mắc không biết phải trình lên các Bộ, ban ngành Trung ương như thế nào”.
Về phía tỉnh Bình Dương, Giám đốc sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương - ông Nguyễn Anh Minh lại kiến nghị sự kết hợp giữa Trung ương và địa phương trong việc giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, cần phải xem xét nghiên cứu lại quy mô mặt cắt ngang đang chênh lệch với TP.HCM.
Sau khi tiếp thu những ý kiến, khúc mắc và đề xuất của các địa phương, ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các địa phương chốt quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng: “Về trách nhiệm của Bộ sẽ thống nhất lại quy mô, tiêu chuẩn. Kiến nghị 2 địa phương có ranh giới cần thống nhất. Về vướng mắc cơ chế, ngân sách, thống nhất 1 kế hoạch, các dự án đã có rồi. Bộ Giao thông Vận tải chỉ là cơ quan quản lý nhà nước. Bộ sẽ khẩn trương cập nhật quy hoạch, rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn và làm thế nào để đồng bộ các dự án.”
Toàn cảnh buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM được giao là cơ quan đầu mối sẽ nhận nhiệm vụ để phối hợp với các địa phương hoàn thành hồ sơ trình Quốc hội vào kỳ họp giữa năm. Đề nghị các địa phương triển khai cao độ các hạng mục, khẩn trương, trách nhiệm để cùng với Thành phố hoàn thành các mục tiêu đề ra, quyết tâm triển khai dự án đường Vành đai 4 theo đúng tiến độ, qua đó sẽ góp phần giúp phát triển Kinh tế - Xã hội của các địa phương.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9