Tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng vững chắc cho đối ngoại Việt Nam

ĐÀO TRƯNG - TẤN LỘC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 14/10/2024, 11:50

(HTV) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác lập hệ thống các quan điểm, tư tưởng đối ngoại, mà đến tận hôm nay, đã trở thành di sản tinh thần vô giá để thực hiện thắng lợi, hiệu quả đường lối, chiến lược và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Người luôn đề cao các quyền dân tộc cơ bản, bao gồm độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, hòa bình và chống chiến tranh xâm lược.

Trong bối cảnh thế giới biến chuyển không ngừng, với những mâu thuẫn, xung đột lợi ích tưởng chừng không thể hóa giải, cơ hội phát triển và thách thức đan xen phức tạp, những bài học về Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân từ những ngày đầu thành lập Đảng, thành lập nước, với bao thăng trầm hinh sinh gian khổ của dân tộc, vẫn là ngọn đuốc sáng soi đường, hun đúc nên một Việt Nam với bản lĩnh ngoại giao sắc bén, linh hoạt, khôn khéo và toàn diện. 

Tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc sáng soi đường cho đối ngoại Việt Nam

Từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), Chánh cương vắn tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã xác định: Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của Cách mạng Thế giới; Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận của phong trào Cộng sản Quốc tế. 

PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: "Đảng ta đã cử rất nhiều cán bộ đi học các trường của Quốc tế Cộng sản, như Đại học Phương Đông, Viện nghiên cứu các vấn đề Dân tộc và Thuộc địa và luôn liên hệ với Quốc tế Cộng sản để được điều hành, chỉ đạo cho hoạt động đối ngoại của Đảng. Hai Đảng mà ta liên hệ nhiều nhất là Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc từ những năm 1930 - 1945. Suốt từ 1945 - 1949, Đảng lãnh đạo cuộc Kháng chiến trong vòng vây, tức chưa được quốc gia nào công nhận. Đến đầu 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật sang Trung Quốc và Liên Xô để thiết lập quan hệ ngoại giao , đối ngoại với Trung Quốc và Liên Xô, yêu cầu họ công nhận chúng ta. Tiếp theo đó, là hàng loạt các nước Dân chủ Nhân dân ở Đông Âu và cả Triều Tiên công nhận Việt Nam, mở ra thế phá vây cho Cách mạng Việt Nam. ta nhận được sự hỗ trợ của Trung Quốc và Liên Xô, ta mở được chiến dịch Biên giới năm 1949 và sau đó là chiến dịch Điện Biên Phủ".

Tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh thể hiện qua phương châm "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Trong đó, cái bất biến là chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Cái "vạn biến" là sự linh hoạt, mềm dẻo, sáng tạo, khôn khéo trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng ấy.

Vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào đường lối Cách mạng Việt Nam

"Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước đến khi thành lập Đảng rồi đến khi thấm nhuần Chủ nghĩa Mác - Lênin để vận dụng sáng tạo vào đường lối Cách mạng Việt Nam, chúng ta đều thấy những luận điểm thống nhất trong ngoại giao và các lĩnh vực khác. Người luôn đề cập đến quyền dân tộc cơ bản của mỗi quốc gia. Tại Hội nghị Geneve và cả Hội nghị Paris, câu đầu tiên của hiệp định đều nói tới Quyền dân tộc cơ bản. Độc lập, tự do gắn liền với Chủ nghĩa Xã hội và mối quan hệ quốc tế: Quan san muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em. Như vậy, những gì ta nói đến ngoại giao Hồ Chí Minh là sự vận dụng tư tưởng đó trong thực tế, điều kiện cụ thể của thế giới khi các nước lớn chi phối chúng ta như vậy, chúng ta phải làm gì, phải đi giữa những làn đạn như thế nào? Nhưng chúng ta đã tranh thủ được tất cả. Điều kiện quan trọng nhất là không gây thù oán với ai, và thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước dân chủ. Tư tưởng Hồ Chí Minh rất rõ ràng như vậy. Và trong điều kiện đó, chúng ta đã xây dựng được một mặt trận Nhân dân Thế giới ủng hộ Việt Nam để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước", PGS.TS Hà Minh Hồng - Nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết.

Hiệp định Geneve 21/7/1954: Công nhận và tôn trọng các quyền cơ bản của Nhân dân ba nước Đông Dương: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi nước.

Hiệp định Paris với các điều khoản chính trị ghi các cam kết của Mỹ: Tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, tôn trọng quyền tự quyết của Nhân dân miền Nam Việt Nam; Mỹ không tiếp tục dính líu quân sự, không can thiệp công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.


Trong phương pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định ngoại giao phải là một mặt trận, một binh chủng hợp thành của Cách mạng Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn "vừa đánh vừa đàm", kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn. Người luôn đặt Việt Nam trong dòng chảy của thế giới, coi trọng các trung tâm quyền lực, các trào lưu lớn. Phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh còn thể hiện truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta, nỗ lực giải quyết các bất đồng bằng các phương cách hòa bình. Ngày nay, Việt Nam đã có thế và lực mới, song, trong kỉ nguyên vươn mình của dân tộc, những bài học mang tính bản chất, cốt lõi trong đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân vẫn còn mới nguyên giá trị. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: