(HTV) - Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được thể hiện nhất quán trong nhiều quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của độc lập dân tộc và xây dựng một nền kinh tế tự chủ. Người từng nói về "một ham muốn tột bậc", là "làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Tư tưởng về độc lập và tự chủ này đã trở thành nền tảng định hướng cho mọi đường lối, chính sách của đất nước.
Trong không khí trang trọng của ngày Lễ Độc lập, chúng ta càng thấu hiểu hơn giá trị sâu sắc trong tư tưởng của Bác về độc lập dân tộc. Từ đó, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cùng chung tay xây dựng một Việt Nam hùng cường và phồn vinh.
Tư tưởng về độc lập và tự chủ này đã trở thành nền tảng định hướng cho mọi đường lối, chính sách của đất nước
Nhiều năm trôi qua, dân tộc ta vẫn mãi luôn khắc ghi lời Bác và không ngừng nỗ lực để thực hiện khát vọng của Người: "Việt Nam phải sánh vai với các cường quốc năm châu".
Tất cả các thế hệ vẫn đã và đang soi rọi, vận dụng tư tưởng của Bác vào thực tiễn đời sống, trong đó, có tư tưởng về "xây dựng phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế".
Tư tưởng của Bác luôn soi rọi trong việc "xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế"
TS. Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị cho biết: “ Khi nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này, chúng ta phải hiểu rằng cốt lõi là trước tiên chúng ta phải có độc lập dân tộc. Phải có độc lập dân tộc thì mới có độc lập kinh tế, và muốn độc lập kinh tế thì nền kinh tế đó phải mạnh. Bác Hồ đã nói, "Không có gì quý hơn độc lập tự do," có nghĩa là "độc lập tự do" phải đi trước tất cả; độc lập kinh tế, văn hóa... tất cả đều tùy thuộc vào độc lập dân tộc.”
Theo TS. Trần Thị Rồi - Giảng viên Khoa Khoa học Cơ bản, Trường Đại học Luật TP.HCM chia sẻ: “ Khi nói đến tư tưởng của Bác về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế, điểm cốt lõi ở đây là Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn Việt Nam sau khi độc lập sẽ trở thành một quốc gia hùng cường, đồng thời có sự giao lưu và hội nhập vào xu thế phát triển chung của thế giới.”
Việt Nam trong tư tưởng của Bác phải là một quốc gia hùng cường, giao lưu và hội nhập quốc tế
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được thể hiện nhất quán trong nhiều quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và từ quan điểm tư tưởng ấy đã vận dụng cho quá trình xây dựng phát triển đất nước qua từng giai đoạn, đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, tư tưởng của Bác vẫn còn nguyên giá trị.
Từ một nước kém phát triển, sau gần 40 năm đổi mới, đến nay, Việt Nam đã trở thành 01 trong số 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới, là nước luôn nằm trong top đầu về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp - thủy sản.
Hiện nay, nước ta cũng đã và đang khẳng định được vị thế trong xuất khẩu các sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, điện tử ...Đặc biệt, Việt nam cũng là một trong những nước thu hút vốn FDI lớn nhất và tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới. Điều này đã được thế giới nhìn nhận và đánh giá rất cao.
TP.HCM với vai trò là đầu tàu của nền kinh tế và hạt nhân vùng. Thành phố hiện đóng góp hơn 22% GDP, 27% ngân sách quốc gia và khoảng 54% GRDP của vùng Đông Nam Bộ. Thành phố đã vận hiệu quả tư tưởng của Bác, trong đó, mang lại không ít điểm sáng.