Ứng xử “lệch chuẩn” trên không gian mạng: “Mạng ảo” nhưng “vướng vòng lao lý” là thật

MINH TÒNG - HỮU TRÍ - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 24/10/2023, 15:47

(HTV) - Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có dân số sử dụng mạng xã hội tích cực nhất trên thế giới với khoảng 76,95 triệu người dùng, chiếm 78,1% dân số.

78,1% dân số Việt Nam sử dụng mạng xã hội

Tuy nhiên, vì những tính năng, tiện ích mà mạng xã hội mang lại, nhiều người, trong đó có những người nổi tiếng đã lợi dụng mạng xã hội lan truyền những thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, nhân cách và cả phong cách sống của người sử dụng, nhất là thế hệ trẻ.

Cùng với những tiện ích, mạng xã hội cũng đem lại nhiều tác động xấu tới nhận thức của người trẻ

Trước thực trạng này, thời gian qua, lực lượng chức năng đã xử lý mạnh tay, nhằm răn đe các hành vi vi phạm, đồng thời xây dựng văn hoá sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, lành mạnh.

Theo chuyên gia, từ ngày Luật An ninh mạng 2018 có hiệu lực và Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được ban hành, công tác kiểm soát, xử lý vi phạm đã chặt chẽ hơn rất nhiều.

Vì thế lực lượng chức năng đã xử lý mạnh tay, từ đó tạo được tâm lý răng đe đối với cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến không gian mạng. Đơn cử như vụ Bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) nhận mức án 3 năm tù và Công an TP.HCM đã tạm giam Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu Ngọc Trinh) vì các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh mạng.

Vụ xét xử bà Phương Hằng

Người mẫu Ngọc Trinh bị bắt giữ vì hành vi chưa chuẩn mực trên mạng xã hội

Vi phạm Luật An ninh mạng sẽ đối diện với mức phạt nào?

Mạng xã hội: Tiện lợi hay dễ lan truyền thông tin xấu, độc?

Do đặc tính dễ sử dụng, tiện lợi, tốc độ lan truyền thông tin nhanh chóng, ước tính tại Việt Nam có đến 100 triệu tài khoản mạng xã hội đang hoạt động và tất nhiên những thông tin xấu độc cũng dễ dàng tiếp cận đến người dùng nhất là giới trẻ.

Biên tập viên Minh Tòng – Trung tâm Tin tức HTV nhận định “Không thể phủ nhận sự phát triển lớn mạnh của mạng xã hội và những người có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội, họ cần phải có những cách ứng xử phù hợp để có thể là bảo vệ danh tiếng của mình cũng như không ảnh hưởng đến người khác và chính bản thân những người sử dụng mạng xã hội cũng cần nên tạo cho mình một lá chắn để có thể miễn nhiễm trước những thông tin xấu độc được lan truyền rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội”.

Biên tập viên Minh Tòng – Trung tâm Tin tức HTV

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu - Chuyên gia Tâm lý tội phạm, khi sử dụng bất kỳ một thông tin gì trên mạng xã hội thì điều đầu tiên là phải biết chọn lọc thông tin và phải biết phân định đúng sai, phải trái. Về phía gia đình, cần giáo dục cho con em cách để trở thành một cư dân mạng thông minh. Về phía nhà trường, cũng phải giáo dục nâng cao kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho các em.

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu - Chuyên gia Tâm lý tội phạm

Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất áp dụng chế tài hạn chế phát sóng, đưa tin, biểu diễn đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật hoặc có hành vi không chuẩn mực căn cứ theo quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, bao gồm cả trong lĩnh vực quảng cáo.

Sẽ có chế tài xử lý đối với người nổi tiếng vi phạm Luật An ninh mạng

 

Ý kiến của bạn: