(HTV) - Ngày 26/12, ủy ban đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đơn gia nhập NATO của Thụy Điển, đánh dấu diễn biến quan trọng sau 19 tháng tiến trình bị trì hoãn.
Theo đó, sau khoảng 4 giờ tranh luận về nhiều vấn đề, ủy ban đối ngoại, do đảng cầm quyền Công lý và Phát triển AKP của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chiếm đa số, đã nhất trí bỏ phiếu thông qua dự luật liên quan đến việc phê duyệt nghị định thư gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO của Thụy Điển.
Bước tiếp theo, dự luật sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại toàn thể Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đảng AKP và các đảng đồng minh chiếm đa số. Nếu tiếp tục được thông qua, dự luật sẽ được Tổng thống Erdogan ký phê chuẩn.

Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đơn gia nhập NATO của Thụy Điển ngày 26/12/2023. Nguồn ảnh: AFP
Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu tại toàn thể Quốc hội sẽ mất nhiều thời gian, theo chủ tịch ủy ban đối ngoại Fuat Oktay. "Quyết định đã được đưa ra về việc nộp đơn lên toàn thể Quốc hội, nhưng sẽ không có chuyện dự luật trên được thông qua nhanh với tốc độ tương tự như ủy ban đối ngoại," ông Oktay nói.
Cũng theo ông Oktay, Chủ tịch Quốc hội sẽ ấn định thời điểm bỏ phiếu. Ngoài ra, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ nghỉ hai tuần vào đầu tháng 1.

Thụy Điển và Phần Lan cùng xin gia nhập NATO, nhưng hiện chỉ mới có đơn của Phần Lan được thông qua. - Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Tobias Billstrom đã hoan nghênh quyết định của ủy ban đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và bày tỏ mong đợi gia nhập NATO.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã hoan nghênh quyết định trên, đồng thời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary hoàn tất quá trình phê duyệt trong thời gian ngắn nhất.

Tổng thống Erdogan: Việc phê duyệt đơn của Thụy Điển phụ thuộc vào thương vụ F-16. - Nguồn ảnh: Reuters
Để gia nhập NATO, một quốc gia cần nhận được sự ủng hộ của toàn bộ các thành viên NATO. Dù Hungary cũng chưa thông qua đơn xin gia nhập của Thụy Điển, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ mới được xem là rào cản chính.
Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm 2022, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ucraina. Stockholm sau đó đã đáp ứng các yêu cầu của Ankara liên quan đến luật chống khủng bố và việc nới lỏng xuất khẩu vũ khí.
Tổng thống Erdogan cũng đã gắn việc thông qua đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển với thương vụ Mỹ bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tháng 12, ông Erdogan cho biết Washington đang cân nhắc phê duyệt thương vụ.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9