Vấn đề điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn năm 2060

PHAN NY - MINH TẤN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 12/9/2023, 18:55

(HTV) - Bộ Chính trị giao cho TP.HCM đến năm 2030 phải là đô thị có vị trí nổi bật ở Đông Nam Á, năm 2045 phải là đô thị ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.

Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, và lần điều chỉnh quy hoạch này của TP.HCM được xem là bước ngoặt, và cũng là cơ sở cho những định hướng phát triển mới, theo đúng tinh thần Nghị quyết 24 về Định hướng phát triển Đông Nam Bộ và Nghị quyết 31 về Định hướng phát triển TP.HCM - những định hướng đặt cho TP.HCM một vị trí rất quan trọng không chỉ của vùng Đông Nam Bộ, TP.HCM mà của cả nước.

Toàn cảnh Hội nghị lấy ý kiến giai đoạn 1 về điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn năm 2060

Quy hoạch chung của TP.HCM đã có từ năm 2010, đến nay có những vấn đề mới phát sinh đặt ra, có cả những hạn chế, quy mô dân số, mô hình phát triển đô thị, vấn đề tổ chức hệ thống hạ tầng trong vùng, kinh tế xã hội,... Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung của Thành phố cần giải quyết việc đánh giá môi trường chiến lược, quy hoạch không gian ngầm, ứng phó biến đổi khí hậu và hàng loạt vấn đề lớn khác. Đi cùng với đó là điều chỉnh quy hoạch vùng TP.HCM, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: "Những vấn đề chung của vùng sẽ được nhìn nhận ra sao, nhận diện và đưa vào quy hoạch để giải quyết ra sao? Về vấn đề nhân lực sẽ như thế nào, nguồn nhân lực của vùng sẽ phân bổ theo khu vực, địa phương hay cùng phân công, bố trí cùng nhau để tạo nguồn nhân lực cho cả vùng? Hội nghị này sẽ cùng nhau nhìn nhận, phân tích và chọn lựa".

Đồng chí Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM 

Một trong những nhiệm vụ chính trong quy hoạch lần này của TP.HCM là phát triển không gian đô thị gắn với phát triển hạ tầng giao thông công cộng - mô hình TOD TP.HCM hiện có quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị với 220km. Tuyến 1 đã hoàn thành khoảng 20km, còn lại 200km phân bổ cho các tuyến còn lại. TP.HCM đang rà soát bổ sung lên gấp đôi. Làm sao để tối ưu mô hình phát triển này - đang là bài toán lớn của TP.HCM, được các sở, ngành, chuyên gia tại Hội nghị đưa ra các ý kiến đóng góp.

"Thời kỳ trước, chúng ta hình dung về mở rộng dân số, diện tích nhưng bây giờ thì khác, chúng ta đang bắt đầu phát triển vào những vùng nhạy cảm hơn về mặt sinh thái, môi trường, câu hỏi tăng trưởng ra sao với vị thế vùng, chọn lọc ra sao trong liên kết đó là những câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh này để định hướng phát triển, những câu hỏi lớn của TP.HCM", ông Nguyễn Đỗ Dũng - Đồng sáng lập, Tổng Giám đốc EnCity - Đơn vị tư vấn chia sẻ.

Ông Nguyễn Đỗ Dũng - Đồng sáng lập, Tổng Giám đốc EnCity - Đơn vị tư vấn 

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15: "Kết nối dân cư với hệ thống giao thông công cộng và đưa mục tiêu dài hạn giao thông công cộng đạt 60-70%. Nghị quyết 98 cho chúng ta cơ hội tạo ra nguồn lực phát triển quỹ đất, và trong báo cáo của tư vấn là phải chỉ ra được chỗ nào làm TOD trên mạng lưới này. Hiện tại chỉ đang là định hướng chứ chưa rõ, tôi cho rằng đơn vị tư vấn cần sớm làm rõ nội dung này".

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15

Hội nghị lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ hội để TP.HCM kiến tạo nền tảng phát triển bền vững nên đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, các sở ngành, quận, huyện, thành phố. Từ đó, TP.HCM sẽ lựa chọn phương án quy hoạch tốt nhất để chuyển tải những định hướng phát triển mà Bộ Chính trị, Quốc hội,… giao cho.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: