(HTV) - Từ đầu năm 2024, Việt Nam sẽ chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Đây đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của cả cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài và các quốc gia nhận đầu tư.
Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế khởi xướng. Hiện 142/142 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đồng thuận. Với loại thuế này, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%.
Thuế tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng tới lợi ích các doanh nghiệp nước ngoài
Tác động này tuy khó tránh khỏi nhưng cũng không quá quan ngại
Theo ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn Trọng Tín: "Có thể họ sẽ lựa chọn đầu tư vào những quốc gia khác mà không tham gia vào thuế tối thiểu toàn cầu hoặc chính những doanh nghiệp đã đầu tư rồi họ thoái vốn thì Việt Nam mất một dòng chảy dịch chuyển nguồn đầu tư FDI, nhưng tôi nghĩ rằng: 142 tham gia vào xu thế chung thì các quốc gia khác cũng sẽ tham gia vào, vì thế cũng không đáng quá lo ngại về câu chuyện dịch chuyển".
Ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn Trọng Tín
Ở góc độ khác, việc áp dụng thuế này không những tăng doanh thu thuế cho Chính phủ mà còn chấm dứt "cuộc đua xuống đáy" trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Tuy nhiên, để Việt Nam tiếp tục thu hút FDI khi không còn những ưu đãi về thuế thì phải chú trọng đến việc tăng chất lượng môi trường đầu tư.
Các doanh nghiệp đã có kiến nghị về ưu đãi bổ sung
Thời gian áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cận kề nên Việt Nam cần nhanh chóng triển khai các hành động nhằm ứng phó và giảm thiểu các tác động bất lợi từ cơ chế mới này. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút đầu tư FDI mới chất lượng cao, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9