Vũ Hạnh kể về "Người nhà trời" ở tuổi 95

Mỹ Hạnh 1/10/2020, 08:44

Dù đã bước sang tuổi 95, nhà văn Vũ Hạnh vẫn tiếp tục viết nên hành trình hơn 70 năm cầm bút của mình bằng tác phẩm mới có tên "Người nhà trời".

Sáng 26/9, nhà văn Vũ Hạnh đã ra mắt tiểu thuyết “Người nhà trời” và tái bản "Đọc lại Truyện Kiều", "Bút máu" trong buổi giao lưu “Ngòi bút tỏa sáng tinh thần văn hóa dân tộc” tại Đường Sách TP.HCM do NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM tổ chức.

Nhắc đến Vũ Hạnh, độc giả có thể nghĩ ngay tới những đến tác phẩm vang bóng một thời như "Bút máu". Bên cạnh đó, các công trình tiểu luận, phê bình văn hóa, văn nghệ tiêu biểu nổi bật khác của ông như: "Đọc lại truyện Kiều", "Người Việt cao quý", "Tìm hiểu văn nghệ"... cũng ghi được dấu ấn đậm nét trong hành trình sáng tác nhờ ngòi bút sắc nét và tấm lòng yêu nước đích thực. Chính xuất phát từ tư tưởng văn hóa dân tộc mà ngòi bút Vũ Hạnh mới càng tỏa sáng tinh thần văn hóa dân tộc.

Nhà văn Vũ Hạnh vẫn cần mẫn với nghiệp viết, với văn học dân tộc dù đã 95 tuổi

Đến nay, dù đã bước vào độ tuổi 95, Vũ Hạnh vẫn duy trì thói quen sáng tác và cống hiến cho văn học nghệ thuật. Vũ Hạnh là cán bộ cách mạng hoạt động đơn tuyến trong lòng địch, nhiệm vụ mà cách mạng giao cho ông cũng chính trên mặt trận văn hóa. Thật vậy, tinh thần cầu thị vẫn luôn trú ngụ trong trái tim của người chiến sĩ năm xưa. Cũng bởi vậy, bà Lê Tú Lệ - phó chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM - đã phải thốt lên rằng con người trong tác phẩm của Vũ Hạnh tự tôn, tự cường, cầu thị và có niềm tin sống thật mạnh mẽ.

Trong buổi giao lưu “Ngòi bút tỏa sáng tinh thần văn hóa dân tộc” tại Đường Sách TP.HCM, cuốn “Người nhà trời" được ra mắt, cùng lúc  với hai cuốn “Bút máu" và “Đọc lại truyện Kiều" được tái bản

Tác phẩm "Người nhà trời" đã được ông thai nghén trong suốt 3 năm, chính là một minh chứng cho những nỗ lực làm việc và sáng tạo không ngừng ấy. Mang bối cảnh miền Nam Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp, "Người nhà trời" đưa người đọc trở về quá khứ 50 năm trước, tái hiện lại hình ảnh những tay anh chị và những “thứ luật rừng” gây khiếp hãi, áp bức và bất công trong lòng dân khi luật pháp không can dự đến được. Cuốn sách được Vũ Hạnh chắp bút dựa trên trải nghiệm bản thân, kết hợp cùng các câu chuyện góp nhặt từ bạn bè, đồng nghiệp.

Theo nhà văn Vũ Hạnh, “những tay anh chị” được ví như đang mang danh người nhà trời. Ông lý giải rằng, hiện tượng những tay “anh chị” không phải thuộc riêng của đất nước nào, chế độ nào. Bất kỳ ở đâu có sự áp bức, bất công và suy đồi về luật pháp thì sẽ nảy sinh những người tự nhận “thế thiên hành đạo”, những người tự động tạo ra một thứ luật rừng để mà xử lý theo sự công minh từ nhận thức của chính mình. 

Nhà văn Vũ Hạnh chia sẻ về cuốn sách tại buổi giao lưu

"Thời Pháp thuộc, xã hội miền Nam sản sinh nhiều tay anh chị là vì lẽ đó. Trong số này, có cả những người trí thức đã từng xuất dương du học. Những anh, chị này, thời ấy, có đặc điểm riêng mang nặng sắc màu Việt Nam, và đó là điều chúng ta vẫn muốn tìm hiểu” - Ông chia sẻ.

Sau "Người nhà trời", Vũ Hạnh sẽ tiếp tục sáng tác với hồi ký "Cũng một kiếp người", ghi lại thăng trầm trong cuộc đời ông. 

Ý kiến của bạn: