(HTV) - Dù xuất khẩu 4 tháng đầu năm tăng 9%, doanh nghiệp TP.HCM vẫn chịu áp lực lớn từ bất ổn thị trường quốc tế và cạnh tranh gay gắt, buộc phải tìm kiếm cơ hội mới trong và ngoài nước để đạt mục tiêu tăng trưởng.
Dù kim ngạch xuất khẩu bốn tháng đầu năm của TP.HCM đạt trên 16 tỷ USD, tháng 4 đã ghi nhận mức giảm 7,5%, cho thấy sức ép từ thị trường xuất khẩu đã bắt đầu tác động rõ nét. Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM đang chủ động chuyển hướng chiến lược, mở rộng thị trường, đồng thời khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.
Đặc biệt, phát biểu gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng áp mức thuế tối thiểu 10% cho hàng hóa từ các đối tác thương mại, kể cả khi đàm phán thành công, đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thêm lo ngại. Đáng chú ý, mặt hàng vỏ xe ô tô - một sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang Mỹ vẫn bị áp thuế ít nhất 25% bất chấp kết quả đàm phán.

Vỏ xe ô tô của Việt Nam nằm trong danh mục phụ tùng ô tô đang xuất khẩu rất nhiều sang thị trường Mỹ
Ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh cho biết: “Không chỉ hàng hóa xuất trực tiếp, mà cả những sản phẩm xuất sang nước thứ ba rồi tái xuất vào Mỹ cũng đang chịu ảnh hưởng. Ví dụ công ty tôi xuất linh kiện nhựa sang Hàn Quốc để hoàn thiện đồ gia dụng rồi xuất đi Mỹ, hiện đã có dấu hiệu chậm đơn hàng. Chúng ta phải chuẩn bị tâm thế ngay cả khi thuế có giảm, thương mại thế giới vẫn bị ảnh hưởng."

Ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh
Trong khi đó, theo ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ tịch Tập đoàn 365 Group, thị trường châu Âu và Mỹ đang ghi nhận nhu cầu giảm rõ rệt đối với các mặt hàng phi thiết yếu như dệt may, da giày, gỗ nội thất. Cạnh tranh từ các quốc gia có chi phí sản xuất thấp như Ấn Độ, Mexico, Thái Lan, Sri Lanka càng khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khi thiếu đơn hàng dài hạn.
Tuy vậy, doanh nghiệp TP.HCM vẫn cho thấy tinh thần chủ động vượt khó. Nhiều đơn vị đang tăng cường tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng xuất khẩu sang thị trường lớn, đặc biệt là Trung Quốc. Sau thành công của mặt hàng sầu riêng, nay đến lượt yến sào và nước dừa Việt Nam tiếp tục ghi nhận tiềm năng lớn khi được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. Theo ông Kelvin Chau - Trưởng đại diện Hiệp hội Xuất nhập khẩu Quảng Đông tại Việt Nam, yến sào thô của Việt Nam có thể đạt giá trị lên đến 200 triệu USD mỗi năm.

Đóng gói nước dừa - mặt hàng nông sản Việt ngày càng được thị trường Trung Quốc ưa chuộng
Cùng với mở rộng thị trường quốc tế, các doanh nghiệp TP.HCM đang tích cực trở lại thị trường nội địa để bù đắp sự sụt giảm của đơn hàng nước ngoài. “Nhiều nước đang làm điều tương tự. Doanh nghiệp Việt phải chuẩn bị tâm thế tồn tại ngay trên sân nhà”, ông Nguyễn Quốc Anh chia sẻ.
Để mở rộng mạng lưới khách hàng quốc tế, ông Đinh Vĩnh Cường cho rằng doanh nghiệp cần hướng tới các thị trường tiềm năng rộng lớn như Ấn Độ, Trung Quốc và các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất. Cần tăng sự hiện diện tại các triển lãm thương mại lớn như CantonFair (Trung Quốc), World Food India (Ấn Độ) là những thị trường đầy tiềm năng cho sản phẩm Việt.

Ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ tịch Tập đoàn 365 Group
Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh thương mại toàn cầu có thể tiếp tục rung lắc do các biện pháp áp thuế đối ứng giữa các nền kinh tế, việc doanh nghiệp chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó cụ thể là yếu tố sống còn. Đáng mừng là phần lớn doanh nghiệp tại TP.HCM đã có kế hoạch thích ứng với từng tình huống cụ thể, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực và nắm bắt được cơ hội giữa thách thức.
Với những nỗ lực đồng bộ từ Chính phủ, các ban ngành và bản thân cộng đồng doanh nghiệp, mục tiêu tăng trưởng của TP.HCM trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ không chỉ đạt mà còn tạo nền tảng cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiếp theo.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9