(HTV) - Nhiều nước trên thế giới đang chứng kiến tỷ lệ sinh chạm xuống ngưỡng thấp kỷ lục, tạo nên lo lắng về một thế giới “ngày một ít người hơn”.
Trung Quốc từng là quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng lại chứng kiến dân số giảm năm thứ 2 liên tiếp.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong năm 2023 dân số nước này đã giảm 2,08 triệu, tương đương 0,15%, xuống còn 1,409 tỷ người. Con số này cao hơn nhiều so với mức giảm dân số 850.000 người vào năm 2022, lần đầu tiên kể từ năm 1961.
Tốc độ giảm dân số của Trung Quốc tăng lên trong năm 2023. Nguồn ảnh: AFP
Trong khi đó, số ca sinh mới trong năm 2023 giảm 5,7% xuống 9,02 triệu với tỉ lệ sinh thấp kỷ lục 6,39 ca sinh trên 1.000 người, giảm so với con số 6,77 của năm 2022.
Tỉ lệ sinh ở Trung Quốc vốn theo đà giảm từ nhiều thập kỷ, nguyên nhân đến từ quá trình đô thị hóa nhanh và chính sách một con hà khắc được áp dụng trong thời gian dài.
Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như những đợt bùng nổ kinh tế trước đây, một lượng lớn dân số đã di chuyển từ vùng nông thôn đến các thành phố nơi việc sinh con tốn kém hơn, dẫn đến tỉ lệ sinh giảm đi.
Số trẻ sơ sinh tại Nhật Bản xuống mức thấp kỷ lục
Tỉ lệ sinh của Nhật Bản là 6,3 trên 1.000 người vào năm 2022, còn của Hàn Quốc là 4,9.
Hàn Quốc cũng có Tổng tỷ suất sinh (TFR) - là số con bình quân của một người phụ nữ trong suốt cả cuộc đời - chỉ 0,79. Tỉ lệ này tại thủ đô Seoul thậm chí còn thấp nhất cả nước, chỉ 0,59.
Hàn Quốc đang có Tổng tỷ suất sinh thấp nhất thế giới. Nguồn ảnh: Reuters
Năm 2021, TFR của Hàn Quốc đã thấp nhất thế giới, ở mức 0,81. Tỉ lệ này đang giảm và được dự đoán sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới.
Tại Pháp, quốc gia từng "mắn đẻ" nhất ở Liên minh Châu Âu theo các số liệu của Cơ quan thống kê Eurostat nay cũng chứng kiến số em bé ra đời trong năm 2023 thấp kỷ lục.
Cụ thể, cơ quan nghiên cứu INSEE công bố vào năm ngoái, có chưa đến 678.000 em bé ra đời tại Pháp, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước đó, và là con số thấp chưa từng thấy kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.
Số em bé ra đời tại Pháp năm 2023 thấp nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Nguồn ảnh: AFP
Ở nhiều nước khác, như Mỹ, tỉ lệ sinh đã giảm kể từ cuộc Đại suy thoái, giảm gần 23% từ năm 2007 đến năm 2022. Ngày nay, một phụ nữ Mỹ trung bình có khoảng 1,6 con, giảm so với 3 con vào năm 1950 và thấp hơn đáng kể so với tỉ lệ sinh thay thế ở mức 2,1 nhằm duy trì dân số ổn định.
Còn theo trang tin Vox, tại Italia, hiện nay cứ 7 em bé được sinh ra thì có 12 người chết.
Tỉ lệ sinh tại Mỹ giảm gần 23% từ 2007 đến 2022. Nguồn ảnh: The New York Times
Một trong những mối bận tâm đầu tiên của những người có dự định sinh con, là chi phí tăng vọt về chăm sóc trẻ em, nhà ở, đại học... Đây là một vấn đề trên toàn thế giới, trong đó Hàn Quốc và Trung Quốc đứng đầu danh sách những nơi đắt đỏ nhất để nuôi dạy một đứa trẻ cho đến khi trưởng thành.
Giá nhà quá cao tại Hàn Quốc góp phần khiến người dân chần chừ sinh con. Nguồn ảnh: Kyodo
Ngoài ra, theo Philip Cohen, giáo sư xã hội học tại Đại học Maryland, Mỹ, một trong những lý do là số lượng lựa chọn ngày càng tăng về cách người ta sống cuộc sống của họ. Chẳng hạn, "phụ nữ có nhiều việc thú vị hơn để làm".
Những lo ngại về tương lai cũng có thể góp phần làm giảm tỉ lệ sinh trên toàn thế giới. Nhà nhân khẩu học gia đình tại Đại học Turku ở Phần Lan, Jessica Nissen cho biết "thanh niên đang sống trong một thế giới có nhiều khủng hoảng", từ chiến tranh, biến đổi khí hậu đến sự xói mòn các chuẩn mực.
Chưa kể, khi mà độ tuổi sinh con đầu lòng ngày càng muộn, người ta có xu hướng bị quá tuổi sinh sản, và do đó không còn muốn sinh con nữa.
Lo lắng về tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, vấn đề già hóa dân số cũng như chăm sóc người cao tuổi, nhiều nước đã thử mọi cách để kích thích người dân sinh thêm em bé, từ tiền mặt đến lời kêu gọi yêu nước, xem đó là nghĩa vụ.
Hàn Quốc đã thay đổi chính sách khuyến khích sinh đẻ mạnh mẽ. Từ năm 2006 đến nay, chính phủ nước này đã chi hàng trăm tỷ USD cho kế hoạch khuyến khích người dân sinh con. Báo Korea Herald dẫn lời Ủy ban Chính sách dân số Hàn Quốc cho biết, trong năm 2024 này mỗi đứa trẻ có thể nhận khoản hỗ trợ tiền mặt lên đến 29,6 triệu won trong 8 năm kể từ khi sinh ra.
Mỗi em bé Hàn Quốc sinh trong năm 2024 có thể nhận tới 29,6 triệu won
Khi sinh con đầu tiên, cha mẹ sẽ được tặng 2 triệu won, và nếu là đứa con thứ hai thì là 3 triệu won. Số tiền có thể dùng cho các trung tâm chăm sóc sau sinh, chi phí y tế, thực phẩm và các sản phẩm dành cho trẻ em. Ngoài ra, họ cũng được nhận séc hàng tháng trong 2 năm đầu đời của trẻ, với tổng số tiền tương đương 18 triệu won, tăng đáng kể so với trước đó.
Tặng tiền cũng là hình thức khuyến khích sinh đẻ được nhiều nước lựa chọn. Nga bắt đầu cung cấp khoản tiền một lần khoảng 7.000 USD cho các gia đình có trên hai con, trong khi Italia và Hy Lạp thử nghiệm chính sách “tiền thưởng sinh con”. Từ năm 2019, Hungary cấp khoản vay khoảng 30.000 USD cho các cặp vợ chồng mới cưới, và nếu sinh được 3 con, họ sẽ được miễn nợ.
Tuy nhiên chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Dân số và Kinh tế Lao động Trung Quốc nhận định các hình thức trợ cấp sinh sản bằng tiền chủ yếu chỉ có tác dụng ở nhóm có thu nhập thấp, còn nhóm thu nhập cao thì ảnh hưởng rất ít. Các quan chức nước này kêu gọi phụ nữ “thiết lập quan điểm đúng đắn về hôn nhân, tình yêu, sinh con và gia đình”.
Chính sách một con trong thời gian dài đã ảnh hưởng tới dân số Trung Quốc. Nguồn ảnh: AFP
Ở Bắc Âu, trước vấn đề này, người lao động hưởng chế độ nghỉ thai sản được nhận định là “vô cùng rộng rãi”.
Dù vậy, dường như tất cả các chính sách đều không đủ tác dụng và tỉ lệ sinh vẫn đang tiếp tục giảm.
Bên cạnh sự lo ngại tỉ lệ sinh thấp sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt của xã hội, cũng có ý kiến cho rằng xu hướng giảm sinh là tự nhiên và không quá đáng sợ. Một số nhà kinh tế và nhân khẩu học cho rằng tỉ lệ sinh giảm dẫn đến dân số nhỏ hơn có thể là điều tích cực, hoặc ít nhất là ít tiêu cực hơn so lo ngại hiện nay.
Tờ New York Times dẫn lời Wang Feng, giáo sư xã hội học tại Viện Đại học California tại Irvine, Mỹ, cho rằng tỉ lệ sinh thấp hơn trên toàn thế giới có thể làm giảm suy thoái môi trường, cạnh tranh tài nguyên và thậm chí giảm xung đột toàn cầu.
Trong khi đó, trên báo Telegraph của Anh, một số nhà kinh tế nước này cho rằng tỉ lệ người lao động trên số người phụ thuộc thường được coi là thách thức chính của dân số già, nhưng sự mất cân bằng như vậy không chỉ xảy ra ở các xã hội lớn tuổi. Ngoài ra, khả năng người già có thể tiếp tục làm việc là lớn hơn nhiều so với trước đây trong lịch sử.
Hơn nữa, việc dân số thấp hơn sẽ giảm bớt nhu cầu về cơ sở hạ tầng công cộng và một phần phúc lợi nhà nước. Cha mẹ trong các gia đình nhỏ hơn cũng có xu hướng dành nhiều thời gian hơn cho thị trường lao động. Số trẻ em này khi lớn lên cũng sẽ tạo ít áp lực hơn lên hệ thống giáo dục, đồng nghĩa với khả năng theo học các trường tốt hơn. Khi những trẻ em này lớn lên cũng không phải chịu áp lực lớn khi muốn mua bất động sản.
Tỉ lệ sinh giảm có thể sẽ là xu hướng của tương lai. Nguồn ảnh: Getty
Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, tỉ lệ sinh giảm không gây ra thảm họa. Thay vào đó, đó là dấu hiệu của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học và tương quan với việc tuổi thọ con người ngày càng tăng. Cùng với sự phát triển của xã hội, con người, đặc biệt là phụ nữ được tiếp cận nhiều hơn với các quyền và các lựa chọn của mình, trong đó có sinh con.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9