(HTV) - Trong tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên xuất khẩu Việt Nam đạt hơn 30 tỷ USD/tháng trong năm 2023, cho thấy tín hiệu về nhu cầu hàng hóa hồi phục, tạo kỳ vọng cho xuất khẩu các tháng tiếp theo.
Xuất khẩu Việt Nam có tín hiệu khởi sắc
Trong báo cáo hoạt động công nghiệp thương mại tháng 7 và 7 tháng 2023, Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu hàng hóa đón nhận tín hiệu tích cực hơn, khi 2 tháng gần nhất (tháng 6 và tháng 7) đều tăng so với tháng trước đó.
Theo Bộ Công Thương, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục là điểm đến quan trọng của hàng xuất khẩu Việt Nam trong 5 tháng còn lại của năm 2023 và quyết định tới mức tăng trưởng xuất khẩu của nước ta trong năm nay.
Lần đầu tiên xuất khẩu đạt hơn 30 tỷ USD/tháng trong năm 2023
Xuất khẩu gạo – điểm sáng trong tháng 7
Một diễn biến nổi bật gần đây là lúa gạo - loại hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đang được nhiều thị trường săn đón, trong bối cảnh một số nước cấm xuất khẩu loại mặt hàng này.
Kỳ vọng xuất khẩu những tháng tới: Phát huy cơ hội, hạn chế rủi ro
Theo Tiến sĩ Dương Như Hùng - Trưởng Khoa Quản lý công nghiệp, Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG TP.HCM, từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng, giá gạo thế giới tăng vọt lên, mà Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới nên sẽ hưởng lợi, nhưng cũng đi kèm những rủi ro.
Gạo Việt Nam tại Châu Âu
“Bây giờ giá lúa gạo tăng lên từng ngày thì tốt cho nông dân, nhưng đối với những doanh nghiệp xuất khẩu mà chưa có sẵn gạo trong kho, bây giờ bảo họ ký hợp đồng để vài tháng nữa giao, thì họ rất ngại vì rủi ro rất lớn, lỡ giá lúa lúc đó tăng lên thì xuất khẩu sẽ lỗ. Với một loại doanh nghiệp thứ hai, giả sử họ bỏ tiền ra mua gạo trước để xuất khẩu, thì lỡ Ấn Độ xóa lệnh cấm xuất khẩu thì giá gạo thế giới rớt xuống, đây là một rủi ro khác có khả năng bị thua lỗ” - Tiến sĩ Dương Như Hùng phân tích.
Tiến sĩ Dương Như Hùng đề xuất: “Chính phủ cần quy định doanh nghiệp xuất khẩu phải duy trì một lượng cho lưu thông, hoặc liên kết với những siêu thị trong nước để có dự trữ trong nước, đảm bảo không dẫn đến thiếu gạo trong nước. Nhưng cũng có một số quan điểm cho rằng việc đó nên để doanh nghiệp làm hay Nhà nước nên bỏ tiền ra để dự trữ gạo.
Chúng ta muốn thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, thì buộc nó phải minh bạch, hạn chế những thủ tục nhiêu khê cho doanh nghiệp. Muốn thế, Bộ Công Thương nên cân nhắc rằng chúng ta kiểm soát doanh nghiệp, nhưng không phải bắt các doanh nghiệp từ đồng bằng sông Cửu Long mang một chồng hồ sơ, giấy tờ ra ngoài Bộ ở Hà Nội, mà nên chăng dùng các hệ thống chính phủ điện tử, rồi các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp ở các địa phương cũng có trách nhiệm giám sát các điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp”.
Xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng tốt về lâu dài
Tiến sĩ Dương Như Hùng cũng cho biết: “Trong bối cảnh địa chính trị thì nhiều doanh nghiệp nước ngoài đặt nhà máy ở Trung Quốc chuyển sang Việt Nam để đa dạng hóa vì căng thẳng Mỹ - Trung. Thứ hai là kinh tế Việt Nam, môi trường Việt Nam tương đối ổn định, Việt Nam tham gia rất nhiều những Hiệp định thương mại tự do (FTA) nên xuất khẩu từ Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, Việt Nam là thị trường mở, thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng nếu chúng ta không cẩn thận với tình trạng gian lận thương mại, tức là đội lốt hàng Made-in-Vietnam và xuất khẩu, thì chúng ta có thể bị phạt và bị ảnh hưởng đến uy tín rất nhiều.
Còn về lâu dài thì xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt. Mình có lợi thế là chi phí nhân công vẫn thấp so với các nước trong khu vực, nhưng nó chỉ là lợi thế hiện nay, thực sự nó cũng là con dao hai lưỡi. Nếu chúng ta chỉ dựa vào nhân công thì sẽ dẫn đến không có đổi mới sản phẩm và không nâng cao được chất lượng. Lúc đó, chúng ta không thay đổi được mô hình kinh tế. Do đó, đối với Việt Nam thì các doanh nghiệp cần phải lưu ý và Nhà nước cũng cần hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới và tìm những thị trường mới để xuất khẩu, thì khi xuất khẩu vào các thị trường mới thì bắt buộc họ phải đổi mới rồi, thay đổi cách làm hiện nay thì mới tăng được năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, qua đó tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia”.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9