(HTV) - Nhờ tiên phong trong việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và linh hoạt, chấp nhận cả những giao dịch nhỏ nên đơn hàng của doanh nghiệp này ngày càng gia tăng.
Tháng 12 vừa qua, ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám Đốc Công Ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết rằng Việt Thắng Jean đã hoàn thành sản xuất cho mùa xuân hè năm sau. Ông chia sẻ: "Tháng 12 chúng tôi đã sản xuất cho lượng hàng của Xuân, hè sang năm. Lượng hàng xuân hè giờ đã phải tăng ca để sản xuất chứ không như trước đây chỉ làm 8 tiếng, nên cũng góp phần cho tăng trưởng. Việt Thắng Jean chúng tôi tăng trưởng 16%. Chúng tôi có thể tăng trưởng nhanh là do chúng tôi chấp nhận những đơn hàng nhỏ và mặt hàng thời trang."
Hiện hơn 90% doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý 2 năm 2025, nên dự báo xuất khẩu dệt may trong nửa đầu năm tới sẽ tích cực." Bà cũng chia sẻ rằng toàn ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD trong năm tới, và theo bà, con số này hoàn toàn nằm trong khả năng của ngành, đặc biệt là khi Mỹ dự định tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mỹ đang lên kế hoạch tăng thuế lên tới 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế thấp hơn cho các quốc gia khác, ít nhất là 25%. Dự kiến Việt Nam sẽ chịu mức thuế khoảng 20%. Bà Trần Hoàng Phú Xuân - Phó Chủ Tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM nhận định: "Việt Nam hiện đang là điểm đến ổn định, do đó, chúng ta đã có những đơn hàng quay trở lại." Bà cũng cho biết rằng nhiều nhà máy dệt may tại Việt Nam hiện đã có đơn hàng đầy đủ đến hết năm 2025, một tín hiệu rất đáng mừng cho ngành.
Ông Trần Như Tùng - Chủ Tịch HĐQT Công Ty CP Dệt May Đầu Tư Thương Mại Thành Công cho biết rằng việc áp thuế cao đối với hàng dệt may Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ chính là cơ hội lớn đối với ngành dệt may Việt Nam. Ông chia sẻ: "Việt Nam đứng thứ hai trong việc xuất khẩu dệt may sang Mỹ, chỉ sau Trung Quốc. Việc tăng thuế với Trung Quốc sẽ giúp hàng hóa dệt may Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn và gia tăng cơ hội xuất khẩu."
Hiện tại, dệt may Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường Mỹ với hơn 20% thị phần, trong khi Việt Nam đứng thứ hai với gần 20%. Ông Tùng kỳ vọng rằng khi Trung Quốc mất đi lợi thế thuế quan, Việt Nam sẽ có cơ hội giành lại thị phần tại thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này và tránh các rủi ro, ngành dệt may Việt Nam cần có một chiến lược phát triển toàn diện và bền vững. Bà Phú Xuân nhấn mạnh: "Tiêu dùng dệt may đang thay đổi, và người tiêu dùng cuối đang có yêu cầu cao hơn. Vai trò của hội là rất quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp có những chiến lược mới, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), sử dụng công nghệ mới và bảo vệ thương hiệu."
Một mối lo ngại khác được ông Trần Như Tùng đề cập là vấn đề hàng hóa từ Trung Quốc có thể được nhập khẩu qua Việt Nam như một điểm trung chuyển, sau đó gắn nhãn mác Việt Nam và xuất sang Mỹ. Ông cảnh báo: "Nếu chính phủ Việt Nam không kiểm soát chặt chẽ tình trạng này, sẽ có nguy cơ Mỹ phát hiện và tiến hành điều tra, từ đó áp mức thuế cao hơn đối với hàng dệt may xuất khẩu từ Việt Nam. Điều này có thể gây bất lợi cho ngành dệt may trong tương lai."

Dự báo tổng cầu dệt may toàn cầu năm 2025 sẽ đạt 850 tỷ USD. Đây là một cơ hội lớn để Việt Nam không chỉ củng cố mà còn gia tăng thị phần, khẳng định vai trò là một trong những trung tâm dệt may quan trọng của khu vực và toàn cầu.
Ngành dệt may Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức. Để tận dụng được những cơ hội này, các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển bền vững, không chỉ tập trung vào sản xuất mà còn phải chú trọng đến nghiên cứu và phát triển sản phẩm, cũng như bảo vệ thương hiệu để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao từ người tiêu dùng.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9