Ý nghĩa và lịch sử ngày Giỗ tổ Hùng Vương

KIM LOAN - TRỌNG AN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 17/4/2024, 15:36

(HTV) - Ngày giỗ tổ Hùng Vương là một trong những ngày lễ lớn của nước ta, và là dịp để con cháu toàn nước tưởng nhớ, biết ơn công lao xây dựng đất nước của các vị vua Hùng.

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười tháng ba”

Ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày lễ lớn của nước ta, dù ai có ở đâu, bận gì đi nữa thì tới ngày này cũng tìm về chân núi Nghĩa Lĩnh dâng hương tưởng nhớ, biết ơn tới công lao xây dựng đất nước của các vị vua Hùng. Ngày giỗ tổ Hùng Vương cũng là dịp mọi người trong gia đình được quây quần, sum họp bên nhau kể về chiến công lập nước của các vị vua Hùng.

Nó nhắc chúng ta nhớ đến ngày giỗ Tổ của toàn dân và mọi người lại tấp nập về đền Hùng – nơi thờ cúng các vị vua đầu tiên xây dựng đất nước chúng ta với tấm lòng thành kính, biết ơn về cội nguồn.

NewZgraphic: Nguồn gốc, cội nguồn ngày giỗ tổ Hùng Vương

Đền Hùng được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, giữa đất Phong Châu, ngày nay là xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Phong Châu là đế đô của nước Văn Lang, từ 40.000 năm trước. Đấy là đất Tổ của dân tộc Việt Nam.

Tương truyền, xa xưa, các vua Hùng lựa chọn nhiều nơi, cuối cùng mới tìm được thánh địa này để đóng đô. Nơi này ở phía trước có sông tụ hội, hai bên có núi chầu hầu. Bãi sông tiện lợi cho sinh hoạt nhân dân. Đất đai màu mỡ thích hợp việc cày cấy, trồng trọt. Đất gò đồi cao thuận lợi việc lập ấp mở làng.

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích - xã Hy Cương - TP. Việt Trì - tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ cúng các vua Hùng đã có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Đền Hùng cách trung tâm thành phố Việt Trì 7km về phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội 90km. Từ Hà Nội, du khách có thể đến Đền Hùng bằng đường bộ theo quốc lộ 2 hoặc tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai.

Ngoài di tích lịch sử đền Hùng ở Phú Thọ, còn rất nhiều địa điểm khác ở các tỉnh, thành phố để mọi người có thể đến dâng hương.

 

Vì ý nghĩa của ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 là đặc biệt quan trọng nên những nghi thức được tiến hành khá cầu kỳ. Khi tế lễ Hùng Vương thường có âm nhạc, lễ vật, một ban tế lễ gồm những người có chức sắc được làm chủ tế.

Ngoài ra trong ngày giỗ tổ Hùng Vương người ta thường trang trí thêm cờ xí, nhạc lễ, phẩm phục, phẩm vật tế lễ. Những loại phẩm vật thường dùng là bò, dê, heo, hoa quả, bánh chưng, bánh giầy, xôi, chè, kẹo,…

Mặc dù đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử, với nhiều biến động thăng trầm nhưng truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt không bao giờ thay đổi. Giỗ tổ Hùng Vương chính là một minh chứng hùng hồn cho điều đó.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: