(HTV) - Với hơn 87% số phiếu bầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 15/3 qua và tiếp tục nhiệm kỳ mới kéo dài 6 năm.
Cuộc xung đột ở Ucraina khiến Nga phải đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng nền kinh tế Nga vẫn tăng trưởng ổn định. Yếu tố này đã giúp ông Putin giành được sự ủng hộ của cử tri.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Mát-xcơ-va. Nguồn ảnh: AP
Tổng thống Putin nhấn mạnh nguồn sức mạnh của đất nước là nhân dân Nga, tiếng nói của mỗi người dân sẽ tạo nên ý chí chung của cả dân tộc.
Ông Putin khẳng định: "Lá phiếu của các bạn đã cho thấy tinh thần đoàn kết của nước Nga. Đó là nền tảng cho sự tồn tại của đất nước và cho sự phát triển ổn định trên mọi lĩnh vực".
Tổng thống Putin nhấn mạnh, chính phủ sẽ tiếp tục các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng một nước Nga đoàn kết.
Với việc tái đắc cử, Tổng thống Putin, năm nay 71 tuổi, sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Nga trong nhiệm kỳ 2024 - 2030. Nếu hoàn thành nhiệm kỳ mới này, ông sẽ trở thành người có thời gian lãnh đạo nước Nga lâu nhất trong hơn 200 năm qua.
Mỹ và Liên minh Châu Âu EU đã liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm làm suy yếu nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, nước này đã tìm cách thích nghi và củng cố thị trường tài chính và năng lượng. Sự vững chắc của nền kinh tế được xem là yếu tố quan trọng giúp Tổng thống Vladimir Putin thu hút cử tri.
Lạm phát tại Nga trong tháng 02/2024 đạt mức 7,7%, gần gấp đôi mục tiêu 4% của Ngân hàng trung ương Nga.
Theo trang Euronews, lạm phát tăng cao không phải là điều gì mới mẻ. Nga đã trở nên tự chủ hơn trong việc tự sản xuất thực phẩm từ năm 2014 - thời điểm nước này sáp nhập bán đảo Crưm vào lãnh thổ của mình và hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tỉ lệ thất nghiệp ở Nga duy trì ở mức tương đối thấp và kinh tế nước này được Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo tăng trưởng 2,6% trong năm nay, gấp đối so với dự báo trước đó. Con số này thậm chí còn cao hơn mức dự báo mức tăng trưởng của Châu Âu là 0,9%.
Chi tiêu theo kế hoạch của chính phủ Nga trong năm nay gần gấp đôi so với năm 2018. Tuy nhiên, thâm hụt vẫn có thể kiểm soát được do thuế và doanh thu từ dầu mỏ tiếp tục chảy vào.
Chủ tịch đảng Liên minh Toàn dân Nga Sergei Baburin nhận định: "Nền kinh tế Nga đã mạnh hơn nhiều so với 2 năm trước. Chúng tôi đã loại bỏ được nhiều quả bom hẹn giờ của phương Tây. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục loại bỏ chúng và tăng cường sản xuất của chính mình, cả nông nghiệp và công nghiệp".
Việc xuất khẩu dầu và khí đốt cho khách hàng mới ở Châu Á giúp Nga duy trì chi tiêu cho các chương trình quân sự và xã hội. Nguồn ảnh: Reuters
Nga đã chuyển hướng xuất khẩu dầu từ Châu Âu sang Trung Quốc và Ấn Độ sau khi bị các đồng minh của Ucraina tẩy chay.
Theo các chuyên gia, yếu tố then chốt giúp giữ vững nền kinh tế nằm ở việc Nga có thể xuất khẩu dầu và khí đốt cho các khách hàng mới ở Châu Á. Điều này giúp Mát-xcơ-va duy trì được chi tiêu cho các chương trình quân sự và xã hội.
Bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga vẫn là một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đồng thời hưởng lợi từ quyết định cắt giảm xuất khẩu dầu thô của Ả Rập Xê-út vào năm ngoái.
Người dân Nga vẫn có thể mua đồ nội thất của IKEA trực tuyến. Nguồn ảnh: Reuters
Ngân hàng Trung ương Nga đã chống lại đà tăng giá đột biến bằng cách tăng lãi suất lên 16%. Chính phủ còn hỗ trợ đồng tiền Nga bằng cách yêu cầu các nhà xuất khẩu chuyển thu nhập từ nước ngoài sang đồng Rúp.
Ngoài ra, chính sách nhập khẩu hàng hóa qua các nước thứ ba như Gruzia, Kazakhstan và Uzbekistan vẫn cho phép người dân Nga mua các sản phẩm của phương Tây, nhưng với mức giá cao hơn đáng kể.
Người Nga vẫn có thể mua xe BMW nhưng giá cao gấp đôi ở Đức. IKEA đóng cửa 17 cửa hàng tại Nga, nhưng đồ nội thất và gia dụng của hãng này vẫn được bán trực tuyến cho khách hàng Nga.
Vitaly Golubev là một trong những người trẻ lần đầu tiên tham gia bầu cử tổng thống Nga. Golubev là học sinh trung học phổ thông sinh sống tại thành phố Dzerzhinsk và vừa đủ 18 tuổi đi bầu vào tháng trước.
Vitaly Golubev lần đầu tiên tham gia bầu cử tổng thống Nga khi đủ 18 tuổi. Nguồn ảnh: AP
Golubev nói: "Tôi cho rằng bầu cử tổng thống là một sự kiện rất quan trọng với tất cả người dân của đất nước. Nó quyết định người lãnh đạo và sự phát triển của quốc gia".
Đây là lần đầu tiên người dân ở bốn vùng mới sáp nhập vào Nga gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia tham gia bầu tổng thống. Nga sáp nhập 4 tỉnh này vào tháng 10/2022 sau cuộc trưng cầu ý dân.
Cử tri bỏ phiếu tại vùng Donetsk do Nga kiểm soát. Nguồn ảnh: AP
Nhiều cử tri Nga bày tỏ hy vọng chính phủ sẽ duy trì các chính sách hiện tại để đất nước Nga ngày càng trở nên thịnh vượng hơn. Kết quả bầu cử cuối cùng sẽ được xác nhận chậm nhất vào ngày 28/3 và chính thức công bố 3 ngày sau đó.
Bầu cử Tổng thống Nga 2024: Người dân nước Nga hy vọng vào tương lai tươi sáng
Chiến sự Nga - Ucraina đã bước sang năm thứ ba. Các bên vẫn chưa có dấu hiệu thỏa hiệp và tỏ thái độ kiên quyết theo đuổi mục tiêu riêng, khiến cuộc đối đầu càng rơi vào bế tắc.
Để chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài với Ucraina, Nga đã đẩy mạnh sản xuất các loại đạn dược và vũ khí, đặc biệt là thiết bị không người lái UAV vốn đã tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc xung đột.
Nga giới thiệu UAV Lancet tại một cuộc triển lãm. Nguồn ảnh: Sputnik
Các UAV mới của Nga được phát triển dựa trên kinh nghiệm trong chiến dịch quân sự, cho phép phân tích và xử lý dữ liệu theo thời gian thực, tự động nhận dạng và tập kích mục tiêu.
Không giống UAV cỡ lớn truyền thống có thể phóng tên lửa, thả bom rồi quay về căn cứ sau khi tập kích, UAV tự sát chỉ tung một đòn tấn công duy nhất.
Nga đang triển khai nhiều loại UAV tự sát cho chiến dịch tại Ucraina, nổi bật là Geran với tầm bay ước tính 2.500 km và Lancet chuyên tập kích mục tiêu ở khu vực tiền tuyến.
Kích thước nhỏ, chế tạo từ vật liệu tổng hợp và độ bộc lộ hồng ngoại thấp giúp UAV tự sát khó bị phát hiện. Chi phí thấp và số lượng lớn của chúng khiến binh sĩ Ucraina ngần ngại khai hỏa tên lửa phòng không đắt tiền để đánh chặn.
Nga phóng tên lửa Kalibr trong một cuộc tập trận. Nguồn ảnh: Sputnik
Nga cũng tập trung sản xuất các loại tên lửa hành trình Kalibr và Iskander. Các lực lượng Nga đã dùng tên lửa này để tấn công các hệ thống vũ khí và cơ sở vật chất của đối phương. Iskander là tên lửa phóng từ bệ phóng trên mặt đất, còn Kalibr phóng từ các tàu hải quân.
Tổng chi tiêu quốc phòng của Nga đã tăng lên khoảng 7,5% GDP. Chuỗi cung ứng được thiết kế lại nhằm đảm bảo có được nhiều nguyên liệu và linh kiện quan trọng, đồng thời né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các chuyên gia nhận định với việc tái đắc cử nhiệm kỳ 5, Tổng thống Putin sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ucraina và duy trì thế đối đầu với phương Tây. Nga cũng sẽ tăng cường mối quan hệ với các quốc gia "thân thiện", đặc biệt là Trung Quốc, nhằm cạnh tranh với Mỹ và các đồng minh NATO trên trường quốc tế.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9