1 Ngày - 1 Ý Nghĩa: Ngày Cách mạng Hy Lạp 25/03

25/3/2023, 06:00

Cuộc Chiến tranh giành độc lập Hy Lạp, cũng được biết đến với tên gọi Cuộc chiến tranh cách mạng Hy Lạp, là cuộc cách mạng của nhân dân Hy Lạp nằm dưới sự cai trị của Đế quốc Ottoman, nhằm mục đích giành độc lập khỏi Thổ.

Hơn 3.000 năm trước Công nguyên, Hy Lạp là một trong những cái nôi văn minh của nhân loại. Thế nhưng, từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên trở đi, Hy Lạp bị sáp nhập vào đế quốc La Mã, sau đó trở thành một bộ phận của Đông La Mã. Từ năm 1396, Hy Lạp bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng và kéo dài hơn 400 năm. Như vậy, Hy Lạp có hơn 2.000 năm bị nước ngoài thống trị.

 

Trận Vassilika mang thắng lợi cho lực lượng cách mạng Hy Lạp - Nguồn: Wikipedia

Đến thế kỷ XVIII, cách mạng tư sản Pháp lan tỏa khắp châu  u, người Hy Lạp mới thức tỉnh về ý thức độc lập dân tộc. Để vực dậy tinh thần trong nhân dân, Rigas Feraios - một nhà thơ lớn của Hy Lạp, đã lập ra một tổ chức bí mật xây dựng Hiến pháp cho đất nước. Mọi việc đang diễn ra thuận lợi thì Rigas Feraios bị nhà cầm quyền bắt và đưa lên giàn hỏa thiêu vào năm 1803. Tiếp nối tư tưởng của Rigas Feraios, năm 1814, 3 thương gia lớn của Hy Lạp là N.Skoufas, M.Xanthos và A.Tsakalov đã thành lập Hội hữu nghị tại nước ngoài để chống lại đế quốc Ottoman. Tháng 3-1821, các thành viên Hội hữu nghị từ Nga về nước và tuyên bố khởi nghĩa trong toàn quốc. Nhân dân Hy Lạp tụ hội về dưới ngọn cờ của Hội hữu nghị và lực lượng quân khởi nghĩa đã nhanh chóng tăng lên hàng chục ngàn người. Ngày 6-4-1821, người dân thành phố Patrai thành lập “Ban chỉ huy cách mạng” và tấn công quân Thổ đang đồn trú tại đây. Nhân dân cả nước hưởng ứng Patrai quyên góp vũ khí, lương thực, nhân lực tiến về vùng chiến sự. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trấn áp khốc liệt quân khởi nghĩa nhưng đều bị quân và dân Hy Lạp đánh bại. Tháng 1-1822, các lãnh tụ cuộc khởi nghĩa tổ chức Quốc dân đại hội lần thứ nhất để thông qua Hiến pháp và tuyên bố thành lập Nhà nước Hy Lạp, lấy ngày khởi nghĩa Patrai (6-4) làm ngày quốc khánh.

Huân tước Byron là một người ái mộ Hy Lạp, chết trong khi tham gia cuộc cách mạng Hy Lạp - Nguồn: Wikipedia

Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường viện binh kéo đến Hy Lạp nhưng đã bị nhà nước non trẻ này đánh bại. Năm 1825, quân Thổ lại tấn công Rumelie - một căn cứ lớn của quân khởi nghĩa. Quân Hy Lạp hết lương, hết đạn nên Rumelie bị thất thủ. Trước nguy cơ Nhà nước Hy Lạp bị tiêu diệt, nhân dân tiến bộ các nước Nga, Anh, Pháp, Thụy Điển, Đức... đã tình nguyện sang đất nước của những vị thần cùng chiến đấu chống lại quân xâm lược Ottoman. Nhờ vậy, cục diện chiến trường đã có sự thay đổi đáng kể. Năm 1829, quân Thổ dần mất quyền kiểm soát trên các mặt trận, lại bị người Nga và Pháp đe dọa buộc phải ký hòa ước công nhận nền độc lập của Hy Lạp.

Quân Hy Lạp đánh phá vòng vây Messolonghi, tranh của Theodoros Vryzakis

Các nhà nghiên cứu chính trị cho rằng, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Hy Lạp là một sự kiện lớn trong tiến trình lịch sử nhân loại. Bởi cuộc khởi nghĩa này đã cổ vũ tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc cho nhiều nước thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Ottoman. Đồng thời, việc đánh đổ sự kìm kẹp của đế chế này đã giúp nhân dân Hy Lạp và cả thế giới phục sinh được những giá trị to lớn về một nền văn minh rực rỡ của nhân loại.

Xin mời quý vị đón xem những hình ảnh, thông tin chi tiết hơn trong chương trình thời sự của HTV lúc 20h trên HTV9

 
Ý kiến của bạn: