(HTV) - Cách đây đúng 70 năm, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết tại Geneve (Thụy Sỹ), trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định tâm thế, bản lĩnh, trí lực của một dân tộc có bề dày hàng ngàn năm văn hiến, có ý chí quật cường bảo vệ nền độc lập, thấm đượm tinh hoa văn hóa dân tộc và tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Hiệp định Geneve còn mang ý nghĩa thời đại sâu sắc khi được coi là thắng lợi chung của ba nước Đông Dương gồm Việt Nam, Lào và Campuchia, cũng như của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Hiệp định Geneve còn là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, khi đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia một diễn đàn đa phương có sự tham dự, đàm phán trực tiếp của các nước lớn. Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định tâm thế, bản lĩnh, trí lực của một dân tộc có bề dày hàng ngàn năm văn hiến, có ý chí quật cường bảo vệ nền độc lập, thấm đượm tinh hoa văn hóa dân tộc và tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.
Trải qua 75 ngày thương lượng với 31 phiên họp, cùng với nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề hội nghị, rạng sáng ngày 21/7/1954, 3 Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia lần lượt được ký kết.
Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Geneve đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, mở ra cục diện chiến lược mới của cách mạng Việt Nam. Đây là văn bản pháp lý quốc tế vô cùng quan trọng vì lần đầu tiên, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương.
Quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneve còn là cẩm nang chứa đựng nhiều bài học quý giá về đối ngoại, thể hiện bản sắc độc đáo của trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam. Trải qua 70 năm, chính sách đối ngoại Việt Nam có bước tiến dài, đường lối "ngoại giao cây tre" do Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và lãnh đạo hiện nay là sự kế thừa, sáng tạo từ những kinh nghiệm ấy.
Cây tre vững ở gốc, chắc ở thân và uyển chuyển ở cành. Dựa trên nền tảng vững chắc của quốc gia, như trong Hiệp định Geneve đó là thắng lợi Điện Biên Phủ. Đó là đem cái "bất biến" ứng cái "vạn biến". Đó là, "độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển... trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế,... Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
70 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Geneve vẫn còn vẹn nguyên giá trị; với những bài học kinh nghiệm hết sức quý báu, phản ánh sinh động nguyên tắc, phương châm, nghệ thuật đối ngoại, sự trưởng thành và những đóng góp to lớn của nền ngoại giao Việt Nam cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; tỏa sáng ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9