A.I và nỗi sợ bị thay thế. Phóng sự truyền hình đầu tiên Việt Nam được viết bằng A.I

TRẦN THỊNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 12/2/2023, 19:00

(HTV) - Trí tuệ nhân tạo (A.I.) đã xuất hiện và ngày càng hoàn thiện đến mức đe dọa chiếm ngôi con người trong nhiều bộ phận công việc, trực tiếp đẩy nhiều nhân sự vào hoàn cảnh thất nghiệp.

Phóng sự A.I và nỗi sợ bị thay thế:

Điều này cũng tạo ra những nguy cơ nhất định trong ngành Báo chí và sáng tạo nội dung.

Khi A.I. trở nên phổ biến trên mọi lĩnh vực.

A.I. có mặt trong mọi khía cạnh đời sống, trực tiếp trở thành công cụ thông minh và tiềm năng của chúng vẫn là điều nằm ngoài dự đoán của thế giới. “Khả năng tiềm tàng của AI trong việc chuyển đổi các doanh nghiệp là chưa từng có”, Paul R.Daugherty & H. James Wilson, trang 15, Người & Máy: Định hình lại công việc trong thời đại A.I.

Một nhánh của công cụ trí tuệ nhân tạo (A.I.) có tên Chat GPT xuất hiện vào ngày 30/11/2022 lập tức khiến thế giới “dậy sóng” bởi không chỉ thông minh, khả năng tư duy đỉnh cao mà cách sử dụng ngôn ngữ uyển chuyển tự nhiên giống hệt con người.

Không đơn giản là chatbot thông thường, Chat GPT còn có kho kiến thức khổng lồ đã học được trong một thời gian dài để hoàn thiện. Giới chuyên môn của nhiều ngành nghề đã dành thời gian thử nghiệm, nghiên cứu và thậm chí đưa vào các cuộc hội thảo lớn.

Trong số đó, báo chí là một ngành gắn liền với sự phát triển của công nghệ và không thể đứng ngoài sự phát triển của Chat GPT. Tại Hội thảo “Chat GPT với báo chí truyền thông - Cơ hội và Thách thức” diễn ra vào tháng 3/2023, Tiến sĩ Trần Quang Diệu - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Truyền thông và Ứng dụng công nghệ thông tin của Học viện Chính trị quốc gia TP.HCM cho biết, Chat GPT là một trong những phần mềm đã và đang được ứng dụng trong công tác tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông tại các cơ quan báo chí của nước ngoài cũng như của Việt Nam. Cũng tại hội thảo này, Tiến sĩ Khổng Quốc Minh, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ về việc Chat GPT là ứng dụng công nghệ và cũng như bao nhiêu ứng dụng A.I. khác, Chat GPT có tính năng tương tự đã và đang tạo ra những cơ hội, thách thức lớn cho nhiều hoạt động, trong đó có báo chí và truyền thông.

Trải qua thử nghiệm trong lĩnh vực thông tin, báo chí, truyền hình, Chat GPT đã tạo ra những sản phẩm gần như hoàn chỉnh, thậm chí có những dấu ấn khác biệt, thu hút người đọc đối với tin tức, phóng sự, khiến một vài chuyên gia trong ngành truyền thông lo ngại rằng Chat GPT có thể thay thế vai trò của người làm báo trong tương lai, dẫn đến công việc của những người làm trong lĩnh vực này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng có khả năng tạo văn bản giống hệt như con người và chính điều này đem đến mối đe dọa rằng công nghệ có thể thay thế các nhà báo trong thời điểm hiện tại và tương lai.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, Đài truyền hình HTV cho Chat GPT viết phóng sự: Phép thử đắt giá

Thực sự Chat GPT hay những ứng dụng khác của trí tuệ nhân tạo có thay thế được vai trò của người viết, vị thế của nhà báo trong tương lai hay không là điều phải lập tức được thử nghiệm mới có câu trả lời xác đáng. Với vai trò là nhà báo, Thạc sĩ Ngô Trần Thịnh, cùng đội ngũ cảm thấy sức hút từ ứng dụng này và tự trải nghiệm mang đến những cảm nhận riêng cho bản thân.

Thử nghiệm với Chat GPT, 2 lần đặt câu hỏi: “Chat GPT có thể thay thế người làm báo hay không?” và nhận về câu trả lời là không. Nhưng chỉ sau 2 tuần, Chat GPT tự tin đưa ra câu trả lời: “Có, các công nghệ A.I. có thể được sử dụng để thay thế người làm báo. A.I. có thể được được sử dụng để tự động phân tích và tổng hợp các tin tức, để tạo ra các bài báo tự động. AI cũng có thể được sử dụng để phân tích các bài báo để tạo ra các bài báo tự động với các đề tài khác nhau”. Câu khẳng định chắc nịch này xuất phát từ việc rất nhiều người trên thế giới trầm trồ trước những gì mà Chat GPT có thể làm.

Để biết khả năng của Chat GPT có thật sự như những gì đã khẳng định, chúng tôi đã cho công cụ này thực hiện bản tin này với chủ đề: “Xu hướng Chat GPT tại Việt Nam”. Tại hội thảo “Chat GPT với báo chí truyền thông - Cơ hội và Thách thức”, chúng tôi đã đưa ra những nhận định: Công cụ này xây dựng định hướng đề tài phù hợp, bố cục 4 phần bài viết rất chặt chẽ, trong vòng 8 phút đã thực hiện đề tài với 2.000 chữ. Những điều ban đầu này có thể thấy ứng dụng này có phần vượt trội trong việc bố cục đề tài và hoàn thành bài viết trong thời gian rất ngắn so với các phóng viên, nhà báo.

Tuy nhiên các sản phẩm này chưa hoàn chỉnh về nội dung, ý nghĩa cũng như các tư tưởng, định hướng nhất định trong từng lĩnh vực. Điển hình là cách sử dụng từ ngữ máy móc, khô cứng, không uyển chuyển trong từng trường hợp, ngữ cảnh, đôi lúc sử dụng các ngôi xưng hô không phù hợp và văn phong ở một số nội dung không bám sát thực tế.

Bài viết do A.I. thực hiện chỉ mang tính chất đúng, đủ, thường thức thông tin nên không có điểm nhấn, không có yếu tố con người. Qua đó, chúng tôi nhận thấy rằng, một tác phẩm hay chính là làm sao thu hút được khán giả xem và thích thú từ đầu đến cuối, vẫn còn những điều hấp dẫn đọng lại sau khi tác phẩm kết thúc; điều này A.I. chưa làm được.

Có cùng ý kiến về vấn đề này, PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Chúng ta nhấn mạnh yếu tố con người trong ứng dụng là một giải pháp tôi nghĩ rất nên”.

Bằng kinh nghiệm làm nghề của mình, chúng tôi hiểu nguyên nhân vì sao A.I. khẳng định thay thế được người làm báo. Vì chúng rà soát lượng lớn thông tin trên mọi nền tảng mạng xã hội và đưa thông tin đến người dùng chỉ sau vài giây. Nhưng thực tế mọi thông tin có trên mạng, các trang báo quy mô lớn nhỏ mà A.I. có được chính là do con người cung cấp, do đội ngũ nhà báo Việt Nam, quốc tế cập nhật liên tục từng giây. Trong mỗi sự kiện diễn ra, cần nhà báo có mặt tại hiện trường, dẫn tin, viết bài,... Nhà báo nắm thông tin đầu tiên được gọi là sự tiên phong. Trong khi A.I. chỉ tổng hợp dựa trên thông tin có sẵn luôn đi sau thì không thể so sánh với người làm báo.

Song song với sự tiên phong chính là tính cách mạng. Theo chúng tôi nhận thấy, nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà báo đưa thông tin đúng cho độc giả và người dân. Trong khi A.I. chưa làm tốt được việc này. Thông tin do chúng cung cấp không chính xác, chỉ ở thể khẳng định chứ không phải theo góc nhìn cá nhân nên người dùng dễ bị lừa. Do vậy, dù có tìm hiểu thông tin trên AI nhưng người dân vẫn tìm đến báo đài chính thống để xem lại.

Xét về những phương diện trên, có thể thấy A.I. vẫn chưa thể thay được người làm báo. Có thể khẳng định A.I. phải học rất lâu về nghiệp vụ báo chí. Còn thời điểm hiện tại, chúng chỉ là công cụ hỗ trợ cho công việc của người làm báo: “Đối với góc nhìn của tôi, A.I. đồng hành cùng người làm báo, gợi ý, mở ra kho dữ liệu để người làm báo khai phá. Trí thông minh nhân tạo hiện tại vẫn là công cụ”.

Nhà báo và A.I., kết hợp tạo sức mạnh

Báo chí, truyền thông là lĩnh vực gắn liền và chịu ảnh hưởng trong kỷ nguyên phát triển của trí tuệ nhân tạo. Theo nhà kinh tế học Paul Krugman cho biết trên tờ New York Times op-ed rằng Chat GPT có thể thực hiện các nhiệm vụ như báo cáo và viết “hiệu quả hơn con người”.

Reuters - Hãng thông tấn lớn nhất thế giới đưa công nghệ A.I. vào việc tạo ra người thuyết trình “ảo” với vẻ ngoài giống hệt như một MC thật sự đang đọc bản tóm tắt thể thao và sau đó cung cấp bản tóm tắt trận đấu bằng cách sử dụng ảnh và báo cáo của Reuters để cho ra một bản tin hoàn hảo mà không cần viết kịch bản, chỉnh sửa hay bất kỳ khâu sản xuất nào của con người.

Tuy vậy, bất kỳ công cụ nào cũng phải biết cách áp dụng mới đưa ra kết quả đúng như kỳ vọng, A.I. cũng vậy. Trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, A.I. từng được dự đoán là có thể thay thế người làm báo. Thậm chí 2 năm trước Microsoft đã sa thải 50 nhà báo để thay thế bằng A.I. Trong khi đó, nhiều cơ quan báo chí lại không hoàn toàn giao việc sản xuất bài viết như một nhà báo thực thụ cho A.I. Mặc dù A.I. có thể hỗ trợ tạo nội dung nhưng hoàn toàn không thể thay thế con người trong việc báo cáo. Con người có kỹ năng phát triển mối quan hệ với các nguồn, cung cấp phân tích chuyên sâu về dữ liệu và xác định nguồn gốc, xác thực tính đúng sai của chủ đề còn A.I. đơn giản là không thể làm được.

Chia sẻ về vị thế, vai trò của người làm báo, tại Hội thảo “Chat GPT với báo chí truyền thông - Cơ hội và Thách thức”, PGS. TS Nguyễn Ngọc Oanh - Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Tuyên truyền cho biết, A.I. có thể thay thế con người trong vài công đoạn của việc phát thanh, truyền hình, nghề báo nhưng không thể thay thế hoàn toàn. A.I. không thể thay thế con người, thay thế nhà báo trong những vấn đề then chốt nhất của nghề nghiệp khi đáp ứng nhu cầu nghiệp vụ báo chí và nhu cầu công chúng hiện nay và trong tương lai.

Vậy xu hướng trong tương lai nên áp dụng A.I. như thế nào để tối ưu hóa mọi mặt trong đời sống con người? Nữ trưởng phòng của Nhà sản xuất bản tin tức Thụy Điển MittMedia đã phát triển một hệ thống A.I. tên Homeowner Bot có khả năng phân tích các bất động sản và viết các mô tả ngắn về chúng. Kết quả nhận được là công nghệ này tạo ra 480 bài báo về doanh số bán nhà mỗi tuần, chuyển đổi gần 1.000 người đăng ký trả phí. Kết quả này vượt xa khả năng làm việc của các nhà báo

Theo PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng, nhà báo ngày nay phải mạnh dạn thử nghiệm công nghệ và từ đó rút ra bài học để đối mặt và phát triển. Nếu không dám thử nghiệm, khó có thể biết được những mặt tích cực mà công nghệ A.I. mang lại.

A.I. từ lâu đã phủ sóng khắp toàn cầu, đem đến nhiều tiện ích nhưng cũng lắm trăn trở cho con người. Trong giới báo chí, A.I. thể hiện ưu điểm của mình ở nhiều việc. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, A.I. không khớp với tốc độ thích ứng của xã hội nên người làm báo bị đào thải khỏi công việc của mình vẫn chưa đủ căn cứ. Vì vậy, hãy ứng dụng A.I. vào công việc để tăng chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, biến A.I. trở thành công cụ hiệu quả, là đồng nghiệp đắc lực của con người trong mọi ngành nghề.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: