Bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích

PHƯƠNG MAI – HOÀNG LINH – TRƯỜNG GIANG – TRẦN TÚ – TẤN LỘC – GIA KHANG – HƯƠNG GIANG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 9/7/2023, 13:53

(HTV) - Bảo vệ và phát huy giá trị từ những di sản đồ sộ của đô thị hơn 300 năm tuổi, không chỉ là cơ hội phát triển, mà còn là trách nhiệm với quá khứ.

TP.HCM hiện có 185 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia và 125 di tích cấp thành phố. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích đã được TP.HCM đầu tư tích cực trong nhiều năm qua.

Quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá

Riêng trong năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã được UBND Thành phố đồng ý chủ trương thành lập Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây là sự chủ động kịp thời để hạn chế tình trạng ngày càng xuống cấp của di tích trong khi chờ được bố trí nguồn vốn để tu bổ, phục hồi toàn diện các di tích.

Từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố đã tiến hành trùng tu, tôn tạo 3 công trình di tích kiến trúc nghệ thuật. Như di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đình chí Hòa, sau hơn 300 năm tồn tại, đến nay, đã xuống cấp trầm trọng, cần tu bổ cấp thiết. 

Từ khi Luật Di sản văn hóa có hiệu lực thực thi từ năm 2002 đến nay, TP.HCM đã bố trí kinh phí trên 700 tỷ đồng cho việc tu bổ, phục hồi và trưng bày bổ sung trên 40 di tích. Đây là mức đầu tư thấp, thậm chí là rất thấp so với nhiều lĩnh vực khác. Điều này phần nào dẫn đến hậu quả: Có những di tích ngày càng xuống cấp, thậm chí, có nguy cơ bị xóa sổ trong thời gian chờ đầu tư.

Điển hình như Di chỉ khảo cổ học quốc gia Giồng Cá Vồ được khai quật từ năm 1992. Việc phát hiện một di tích có niên đại cách ngày nay đến hơn 2000 năm mở ra nhiều giá trị lịch sử, văn hóa về thời buổi sơ khai của vùng đất Nam Bộ. Tuy nhiên, cho đến nay, tức là sau hơn 30 năm được phát hiện, việc bảo tồn di tích này vẫn tồn tại quá nhiều khó khăn!

Di tích Giồng Cá Vồ và nỗi lo biến mất

Di tích khảo cổ quốc gia Giồng Cá Vồ được khai quật giai đoạn năm 1992 - 1994. Dựa vào kết quả khai quật, các chuyên gia khảo cổ học xác định di tích này có niên đại cách ngày nay khoảng 2.300 đến 2.200 năm, nằm trong giai đoạn hậu kỳ kim khí ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc bảo tồn khẩn cấp di tích này là không dễ!

Các đoàn khảo sát muốn vào khu di tích khảo cổ Giồng Cá Vồ phải băng qua vườn cây ăn trái rộng hơn 1 hecta của gia đình chị Huỳnh Thị Thương.

Khu đất này cũng nằm trong diện tích cần giải toả, đền bù để bảo tồn di tích. Tuy nhiên, việc giải toả vẫn chưa thực hiện được.

Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu đã nhắc đến Lò Gốm Hưng Lợi, một di tích có từ thế kỉ 18, ghi dấu một thời phát triển hoàng kim của nghề gốm ở TP.HCM.

Điều đáng buồn là hiện nay, di tích khảo cổ học cấp quốc gia này đã bị tàn phá nghiêm trọng. Là người khai quật cả 2 di tích là Giồng Cá Vồ và Lò Gốm Hưng Lợi, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu không khỏi nghẹn ngào khi di tích đã gần như biến mất!

Lò gốm Hưng Lợi: Di tích trở thành phế tích

Lợi thế bảo tồn di sản từ Nghị quyết 98

Cơ chế đặc thù trong lĩnh vực văn hóa mà TP.HCM đang triển khai được ví như "chiếc đũa thần", bởi từ đây, thành phố sẽ là nơi tiên phong thực hiện những chính sách trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Đương nhiên, chiếc đũa thần có phát huy được tác dụng hay không, tùy thuộc vào năng lực và trách nhiệm của đơn vị quản lý và các địa phương.

Trở lại khu di tích Lò Gốm Hưng Lợi và Giồng Cá Vồ thời gian này, chúng ta đã thấy những tín hiệu tích cực và một niềm tin về một thành phố trách nhiệm, nghĩa tình với những di sản thiêng liêng mà cha ông đã để lại.

Trách nhiệm với di sản

Lò Gốm Hưng Lợi đang được chính quyền Quận 8 bảo vệ nghiêm ngặt. Dự án tu bổ, phục hồi di tích Lò gốm cổ này sẽ được triển khai với diện tích 836m2 để trong thời gian sớm nhất, thành phố sẽ từng bước phục hồi, phục dựng lại di tích khảo cổ quan trọng này.

Bà Bùi Thị Bích Tuyền - Phó Chủ tịch UBND Phường 16, Quận 8, TP.HCM chia sẻ về biện pháp bảo vệ:”Hi vọng di tích sẽ được phục dựng để trở thành một địa điểm khảo cổ, nghiên cứu về một ngành nghề thủ công truyền thống”.

“Sở VHTT đã đăng ký vốn trung hạn cho công trình này với số vốn 100 tỷ. Hi vọng trong năm nay sẽ được HĐND thành phố thông qua theo chủ trương đầu tư công để có những bước triển khai tiếp theo” - Ông Trương Kim Quân - Phó Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hoá – Thể thao TP.HCM chia sẻ.

Dự án xây dựng đường dẫn và hàng rào bảo vệ di tích Giồng Cá Vồ đang được triển khai thực hiện, bằng tất cả sự nỗ lực của chính quyền và người dân huyện Cần Giờ. Chẳng bao lâu nữa, di tích Giồng Cá Vồ sẽ có diện mạo khang trang và đúng tầm của một di tích khảo cổ quốc gia, mang giá trị đặc biệt về thuở sơ khai của vùng đất Nam Bộ.

Ý kiến của bạn: