Cần có những biện pháp căn cơ để ngăn chặn hành vi lừa đảo bằng công nghệ cao

HỒNG DIỄM - NGUYỄN QUỐC - TẤN LỘC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 20/4/2023, 19:25

(HTV) - Dù đã có những quy định hiện hành như Luật An ninh mạng, Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 để xử lý hành vi lừa đảo công nghệ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để xử lý triệt để lừa đảo trên không gian mạng là điều không hề dễ dàng.

Hiện nay, đối với trường hợp lừa đảo qua mạng đã có khung hình phạt rõ ràng, từ xử phạt vi phạm hành chính cho đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, theo luật sư, mức xử phạt vẫn chưa đủ răn đe, số vụ xử lý còn ít so với thực tế.

Người dân còn e dè trong việc tố giác các đối tượng lừa đảo

Luật sư Lê Minh Phiếu, Giám đốc Công ty luật TNHH LMP, lý giải hai lý do từ cả phía bị hại và cơ quan chức năng. "Nhiều người nghĩ rằng số tiền nhỏ, tố cáo thì công sức bỏ ra lớn hơn số tiền bị lừa. Cơ quan tiếp nhận tố cáo chưa có biện pháp xử lý triệt để trong việc vi phạm này", Luật sư Lê Minh Phiếu nhận định.

Luật sư Lê Minh Phiếu, Giám đốc Công ty luật TNHH LMP

Thực tế, tố giác lừa đảo vẫn còn nhiều khó khăn đối với người dân, bởi không phải bị hại nào cũng đủ bình tĩnh và có chuyên môn trong việc cung cấp chứng cứ có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội.

Do đó, "phòng bệnh hơn chữa bệnh", nhiều người dân chọn cách chủ động cảnh giác.

Deepfake - công nghệ giả mạo hình ảnh, giọng nói - là thủ đoạn mới khiến nhiều người dân bị lừa hàng trăm triệu đồng

Chị Ngô Thụy Ý Tâm (Quận 7, TP.HCM) cho rằng, trong các giải pháp ngăn chặn lừa đảo qua mạng thì người tiêu dùng chính là điểm mấu chốt. "Do đó, mình tự nhắc nhở dứt khoát không nghe máy của những cuộc gọi lạ hoặc không truy cập vào những đường link lạ, sẽ phải tỉnh táo vì lừa đảo trên mạng giờ rất tinh vi".

Chị Ngô Thụy Ý Tâm ngụ tại Quận 7, TP.HCM

"Thường thì tôi sẽ chụp lại những số điện thoại đó gửi lên group của công ty, nhóm bạn bè hoặc đối tác để cảnh báo cho họ về những loại hình đó để mọi người tránh bị làm phiền, hoặc bị rơi vào bẫy của bọn lừa đảo", anh Trầm Vũ Bảo (TP. Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ giải pháp.

Anh Trầm Vũ Bảo ngụ tại TP. Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ giải pháp cùng phóng viên HTV

Người dân cẩn trọng với các cuộc gọi lạ, kiểm tra kỹ các đầu số

Cùng với cảnh giác của người dân, tiến sĩ Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi hội An ninh Thông tin phía Nam, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho rằng, giải pháp căn cơ để ngăn chặn lừa đảo qua mạng là phải mở rộng phạm vi tiếp cận thông tin cho người dân bởi vì đa số những người bị lừa đa phần là người ít tiếp cận thông tin đại chúng.

Tiến sĩ Võ Văn Khang - Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam chia sẻ cùng phóng viên HTV

"Hiện nay có nhiều công cụ đắc lực để hỗ trợ, chẳng hạn như Trung tâm an ninh mạng của Bộ Thông tin và Truyền thông có website để chúng ta có thể tra cứu thông tin liên quan đến số điện thoại để biết được các thông tin này có phải là thông tin lừa đảo không, thậm chí là có tra cứu được tài khoản ngân hàng mà những kẻ lừa đảo đề nghị chuyển tiền", Tiến sĩ Võ Văn Khang chia sẻ.

Tại Việt Nam, mỗi tháng có hơn 1 triệu Website lừa đảo, người dân sử dụng các công cụ để tra cứu Website lừa đảo

Đặc biệt, với khó khăn cung cấp chứng cứ có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội trong việc tố cáo đối tượng lừa đảo, các chuyên gia cũng đề xuất cần xem xét giảm bớt các thủ tục, hồ sơ phải có như hình ảnh, ghi âm, video. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân trong tố giác tội phạm.

>>> Xin mời quý vị đón xem những hình ảnh, thông tin chi tiết hơn trong chương trình thời sự của HTV lúc 20h trên HTV9

 

Ý kiến của bạn: