(HTV) - 68% hợp tác xã nông nghiệp tại TP.HCM đã áp dụng chuyển đổi số, đánh dấu bước tiến quan trọng trong phát triển nông nghiệp đô thị. Tuy nhiên, để chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả, ngành nông nghiệp thành phố vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức
Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp TP.HCM (thuộc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP.HCM), kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, có 68/100 HTX nông nghiệp có áp dụng chuyển đổi số vào một trong các hoạt động quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh, điều đó cho thấy nỗ lực của ngành Nông nghiệp TP.HCM trong công cuộc số hóa hướng đến phát triển nông nghiệp đô thị. Tuy nhiên trên thực tế, để việc chuyển đổi số thực sự mang tính toàn diện và hiệu quả thì vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức.
68/100 HTX nông nghiệp có áp dụng chuyển đổi số
Công Ty Cổ Phần Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Thanh Bình đang nghiên cứu thí điểm sản phẩm công nghệ, giúp hỗ trợ người sản xuất kiểm soát việc trồng trọt. Mô hình này phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của TP.HCM.
Đây cũng là một trong số rất nhiều mô hình sáng kiến để thúc đẩy số hóa, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, trên thực tế, công cuộc số hóa vẫn là một bài toán khó bởi một số rào cản như: chi phí đầu tư cao; thiếu kiến thức và kỹ năng; quy mô nông trại nhỏ lẻ, phân tán, không đồng đều; cơ sở hạ tầng hạn chế; thiếu hỗ trợ tài chính; chính sách chưa đủ mạnh, nhiều quy định còn phức tạp… Và đặc biệt tâm lý e ngại khi tham gia chuyển đổi số cũng là thách thức lớn với nông dân hiện nay.
Nâng tầm nông nghiệp Việt: Nắm bắt cơ hội số hóa
Bên cạnh đó, việc kết hợp quảng bá và phân phối các sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử cũng giúp đảm bảo đầu ra cho người nông dân và thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số được toàn diện hơn.
Quảng bá và phân phối các sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc Chính sách Tiktok Việt Nam, thông qua các sàn thương mại điện tử, các chủ thể OCOP có thể nói câu chuyện của mình, giới thiệu sản phẩm của mình, lan tỏa giá trị sản phẩm OCOP đến rất nhiều người. Sản phẩm của Việt Nam nhất là đặc sản đặc biệt được yêu thích ở các nước khác, nên để bán được ra nước ngoài không phải quá khó, nếu nhà nước, doanh nghiệp, các nền tảng cùng bắt tay với nhau thì điều đó sẽ diễn ra trong một tương lai gần.
60-70% nông nghiệp tại TP.HCM ứng dụng công nghệ cao
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là một quá trình lâu dài
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là một quá trình lâu dài và cần có sự tham gia của nhiều bên, bao gồm Chính phủ, doanh nghiệp và người nông dân. Theo đó, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ nông nghiệp. Doanh nghiệp cần phát triển các giải pháp công nghệ phù hợp với nhu cầu của người nông dân. Và trên hết, nông dân cần nhìn nhận đúng mục tiêu của chuyển đổi số trong nông nghiệp chính là nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9