Trợ lý ảo công chức phát triển dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn sạch, của Việt Nam và dùng riêng cho người Việt. Điều này giúp giải điểm yếu “học” thông tin tốt xấu lẫn lộn của ChatGPT.
Các doanh nghiệp trong nước đang phát triển 4 trợ lý ảo phục vụ người Việt Nam. Đó là trợ lý ảo lập pháp để phát hiện những mâu thuẫn khi làm văn bản pháp luật, trợ lý ảo tòa án để giảm bớt công việc cho các thẩm phán, trợ lý ảo hỗ trợ bộ máy cán bộ công chức và trợ lý ảo hỗ trợ tư pháp cho người dân.
Trong đó, trợ lý ảo pháp luật phục vụ ngành Tòa án Việt Nam đã được đưa vào thực tế và chứng minh được hiệu quả khi giúp giảm 30% lượng công việc, tối ưu thời gian vận hành của hệ thống tòa án. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, nhiều thẩm phán đã dần thay đổi hẳn thói quen làm việc và bị trợ lý ảo pháp luật "chinh phục".
Hồi tháng 7 năm nay, theo đề nghị của Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT cũng đã phê duyệt việc nghiên cứu, thử nghiệm phát triển mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và tạo ra một trợ lý ảo phiên bản cơ bản dành cho cán bộ, công chức nhà nước và ứng dụng trợ lý ảo phiên bản dành cho Bộ TT&TT.
Đây là những bước đi đầu tiên của Việt Nam nhằm ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ, tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy công chức.
Ông Trần Mạnh Quân chia sẻ về phiên bản thử nghiệm của trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức. Ảnh: Trọng Đạt
Trên thực tế, cơ quan quản lý cũng đang tiếp cận việc ứng dụng trợ lý ảo theo 4 lĩnh vực là lập pháp, hành pháp, tư pháp và phục vụ cho người dân.
Trong tương lai, các trợ lý ảo sẽ là công cụ đắc lực phục vụ cho việc chăm sóc khách hàng, bán hàng, giải đáp văn bản pháp luật, thủ tục hành chính công, giải đáp các kho dữ liệu tri thức, tra cứu nhanh các dữ liệu chuyên ngành, giải đáp dịch vụ công cho người dân về các loại hồ sơ, trình tự, thủ tục,...
Đối với việc phát triển trợ lý ảo cho cán bộ công chức, và một phiên bản cho Bộ TT&TT, ông Trần Mạnh Quân cho hay, quan trọng là phải xây dựng một mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt để tránh dữ liệu, thông tin lộ lọt ra nước ngoài.
“Các mô hình ngôn ngữ lớn hiện nay đã “học” ở khắp nơi trên Internet, với đủ thông tin tốt xấu. Nếu dùng các mô hình này sẽ không kiểm soát được thông tin. Do vậy, cần xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn sạch, của Việt Nam và dùng riêng cho người Việt. Dựa vào đây, chúng ta sẽ xây dựng trợ lý ảo dành cho công chức”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Thẩm phán Lê Thị Khanh - TAND quận Cầu Giấy đang sử dụng trợ lý ảo pháp luật do Việt Nam phát triển để phục vụ công việc
Tuy vậy, Phó chủ tịch cấp cao Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản của Dell Technologies cũng lưu ý về việc không thể bỏ quên yếu tố bảo mật khi phát triển các trợ lý ảo Việt Nam. "Chính phủ cần quản lý quyền truy xuất và điều khiển chỉ dành cho những người thực sự cần thiết, với đúng chức năng, nhiệm vụ. Ngoài ra, những câu trả lời, chỉ dẫn được cung cấp cho các nhân viên công chức phải phù hợp với văn hóa của Việt Nam”, ông Chris Kelly nhấn mạnh.
Trợ lý ảo pháp luật phục vụ ngành Tòa án Việt Nam hiện đã chính thức đi vào hoạt động với hơn 3 triệu lượt sử dụng, trung bình có 5.000 - 6.000 lượt hỏi đáp, tra cứu mỗi ngày. Thông qua kết quả khảo sát với 1.031 lượt đánh giá, 99% người sử dụng đánh giá cao độ hữu ích của sản phẩm. Tỷ lệ người sử dụng chưa hài lòng chỉ chiếm 5,22%.
Nguồn: Vietnamnet
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9