Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường

HOÀNG HƯƠNG - TIẾN DŨNG // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 19/10/2024, 12:37

(HTV) - Sáng 17/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường”.

Theo đó, báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường” đề xuất cân nhắc chưa nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.

Toàn cảnh Hội thảo 

Theo dự thảo của Bộ Tài chính, để mở rộng cơ sở tính thuế, cơ quan soạn thảo đề xuất "Bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”. Dự thảo đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới.

Đề xuất áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của CIEM cho thấy khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% nước giải khát có đường thì chỉ có thuế gián thu, tức đối tượng chịu tác động là người tiêu dùng. Do vậy, việc tăng thuế chỉ hiệu quả trong năm đầu tiên và dự báo sẽ giảm 0,5% vào năm kế tiếp, ảnh hưởng đến thu ngân sách. 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung Ương CIEM

Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung Ương CIEM, cho biết: "Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng về tình hình doanh nghiệp hiện tại, các tác động liên ngành và đặc biệt trên góc độ của người lao động, chúng tôi kiến nghị nên tạm thời chưa áp dụng thuế 10% đối với mặt hàng này."

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, cho biết: Việc điều chỉnh thuế sẽ tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm, từ đó ảnh hưởng đến lượng hàng tiêu thụ và buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh. Để thích ứng với những thay đổi này, các doanh nghiệp cần có đủ thời gian để chuẩn bị và sắp xếp lại các kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Theo nhiều chuyên gia, việc điều chỉnh các chính sách thuế cần có sự cân nhắc đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, kéo theo ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành dịch vụ ăn uống, lưu trú; và do đó là sự phát triển của toàn ngành dịch vụ và tăng trưởng của nền kinh tế.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

  

 

Ý kiến của bạn: