Giá trị lịch sử từ căn nhà có hầm bí mật

THANH TÂN - HỮU TRÍ - QUỐC KHANH - XUÂN AN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 27/4/2025, 20:00

(HTV) - Căn nhà có hầm bí mật tại 119/1/2 Gò Vấp từng là căn cứ cách mạng trọng yếu, nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ. Nay, di tích này là "địa chỉ đỏ", lưu giữ và lan tỏa truyền thống yêu nước, mưu trí của cha ông trong kháng chiến.

Căn nhà 119/1/2, Phường 3, quận Gò Vấp

Tại quận Gò Vấp, TP.HCM, căn nhà số 119/1/2, Phường 3 là một địa chỉ mang đậm ý nghĩa lịch sử như thế.

Căn nhà này, từ năm 1966 đến năm 1968, từng là căn cứ hoạt động cách mạng quan trọng của Phân khu 1 và Quận ủy Gò Vấp. Đây không chỉ là nơi hội họp, bàn bạc chiến lược mà còn là nơi nuôi giấu các thương binh trong giai đoạn cam go của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đặc biệt, căn nhà còn là nơi Ban Chỉ huy tiền phương 2 của chiến trường Gò Vấp họp bàn phương án tác chiến, góp phần vào thắng lợi vang dội của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

"Chân dung" sống động nhất, thể hiện tinh thần chiến đấu

Chia sẻ về ý nghĩa của căn nhà, ông Lê Hồng Liêm - Chiến sĩ Giao liên Đội Biệt động 67B, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, xúc động: "Ý nghĩa lắm, thấy được sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta, nhìn xa trông rộng, chuẩn bị những thế trận để bước vào cuộc chiến đấu quyết định. Nơi đây thể hiện sự mưu trí sáng tạo của quân và dân ta, lấy ít đánh nhiều, xây dựng những kinh nghiệm để bố trí các lực lượng cho giai đoạn sau, tiến đến cuộc tổng tiến công nổi dậy năm 1975".

Cũng là một trong những người trực tiếp tham gia xây dựng hầm bí mật, ông Trần Công Dân - Chiến sĩ Giao liên Đội Biệt động 67B, kể lại: "Khi mấy chú tổ chức đào hầm thì tôi là người bưng đất, xóa dấu vết. Đó là thời khắc lịch sử mà mình được tham gia thì rất là vinh dự. Lúc đó thật sự không nghĩ gì vì mình còn trẻ mà".

Ông Lê Hồng Liêm chia sẻ ký ức về di tích lịch sử hầm bí mật (1966–1968)

Bà Trần Thị Thu Hồng - một Chiến sĩ Giao liên Đội Biệt động 67B khác, bày tỏ sự ngạc nhiên và vui mừng trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với di tích: "Căn nhà xưa rất nhỏ, nhưng hôm đến đây thì giật mình vì Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều quá. Có ngày lễ ra mắt này cũng là sự kiện lịch sử để các em, các cháu hiểu rằng có được ngày hôm nay là cả sự hy sinh của biết bao nhiêu xương máu đồng bào, trong đó có cha anh của mình nữa".

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thời gian, giờ đây, căn nhà 119/1/2 sẽ được gìn giữ, bảo tồn như một biểu tượng cho ý chí tự lực tự cường, khát vọng tự do, độc lập của nhân dân ta. Việc bảo tồn di tích này không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào.

Ông Nguyễn Hữu Tài - Trưởng phòng Văn hóa và Khoa học - Thông tin quận Gò Vấp, cho biết kế hoạch sắp tới: "Đưa vào điểm du lịch để nhân dân các tỉnh thành trên cả nước biết được quá trình sống, chiến đấu, làm việc của cha anh đến nay vẫn tiếp tục gìn giữ và phát huy".

Ông Lê Hồng Liêm chia sẻ ký ức về di tích lịch sử hầm bí mật (1966–1968)

Nhấn mạnh vai trò của thế hệ trẻ trong việc tiếp nối truyền thống, anh Đỗ Thành Công - Bí thư Đoàn Phường 3, quận Gò Vấp, chia sẻ: "Nay được biết tới địa điểm này thì em cũng sẽ lan tỏa đến các bạn đoàn viên thanh niên về di tích lịch sử cũng như tổ chức các hoạt động tại địa phương gắn với di tích lịch sử để các bạn đoàn viên thanh niên ôn lại khí thế hào hùng của cha ông chúng ta đã đi qua".

Những di tích lịch sử như căn nhà có hầm bí mật tại Gò Vấp là minh chứng sống động cho chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc bất diệt. Việc gìn giữ và phát huy giá trị của chúng là cách hiệu quả để thế hệ hôm nay và mai sau luôn khắc ghi công lao của các thế hệ cha anh, từ đó nuôi dưỡng và thắp sáng ngọn lửa yêu nước trong tim mỗi người Việt Nam.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: