Những nỗ lực trong giải quyết các điểm nghẽn kinh tế TP.HCM

THU TÌNH - VŨ TUYÊN - TẤN LỘC - TRẦN TÚ - NGỌC THẠCH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 22/8/2024, 17:00

(HTV) - UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị số 12 về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tăng trưởng kinh tế TP.HCM đến năm 2025. Theo đó, năm 2024, TP.HCM phấn đấu đạt mức tăng trưởng GRDP ít nhất 7,5% và năm 2025 từ 8%-8,5%.

Năm 2024, TP.HCM đặt mục tiêu đưa tỷ trọng kinh tế số lên 22% và năm 2025 là 25%. Đồng thời, TP.HCM phấn đấu đạt Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (Par-Index) nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu cả nước vào cuối năm 2025. Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết Thành phố đã tập trung nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, thành phố vẫn đối mặt với nhiều điểm nghẽn, đặc biệt là hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ và khả năng kết nối với các vùng lân cận còn hạn chế. Dù là đô thị đặc biệt, TP.HCM vẫn gặp khó khăn trong việc khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của mình.

Báo cáo với Thủ tướng tại cuộc họp mới đây, TP.HCM thừa nhận rằng kết quả giải ngân đầu tư công trong 7 tháng đầu năm 2024 chưa đạt yêu cầu đề ra. Tỷ lệ giải ngân chỉ đạt hơn 15%, thấp hơn mục tiêu 6 tháng của Thành phố và cũng thấp hơn so với mức trung bình của cả nước. Ngoài việc chậm trễ trong quy hoạch và bồi thường giải phóng mặt bằng, nguyên nhân chính là do quy trình thủ tục phức tạp, sự phối hợp chưa hiệu quả và cách thức triển khai giữa các bên liên quan chưa được đồng bộ.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Tế và Chính sách

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Tế và Chính sách cho rằng: "Các dự án trọng điểm có liên kết ràng buộc giữa cơ quan trung ương, địa phương, từ đây tạo ra thủ tục phức tạp, do đó cần phải bỏ bớt thủ tục không cần thiết, tập trung vào một đầu mối nhất định, trả lời ngắn gọn để giải quyết nhanh chóng tránh mất thời gian. Công tác giải phóng mặt bằng cần có sự vào cuộc của các bộ ngành Trung ương, có cơ chế rõ ràng để vừa triển khai dự án đầu tư công vừa đảm bảo sự phát triển của xã hội. Chính yếu tố không đồng bộ dẫn đến không hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công các dự án trọng điểm".

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội Đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội Đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 cho biết rằng: "Hiện nay nỗ lực tháo gỡ tồn tại là cần thiết nhưng cái gỡ cần thiết hơn là toàn bộ cơ chế. Vấn đề đầu tư công không phải chỉ là vốn ngân sách mà là giải pháp huy động cho được nguồn lực xã hội cùng tham gia, đặc biệt với Thành phố cần vận dụng cho được Nghị quyết 98 trong vấn đề huy động nguồn lực tháo gỡ đểm nghẽn, làm sao thúc đẩy đầu tư công và hoàn thiện cơ chế trong việc xây dựng mục tiêu, cơ cấu phân bổ vốn đầu tư công để phát triển bền vững về nhiều mặt".

Ông Nguyễn Đức Lệnh -  Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cũng đồng tình: "Giải ngân đầu tư công là giải pháp lõi trong 03 động lực tăng trưởng, đây là giải pháp chủ động và kích thích tạo lập dòng tiền, có sự lan tỏa lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. Nếu các dự án đầu tư công được thực thực hiện thì nó tạo được hiệu ứng rất lớn đối với lĩnh vực ngân hàng, đó là nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tạo lập dòng tiền, tạo sự luân chuyển vốn. Điều này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà nó thúc đẩy mở rộng tín dụng và ngược lại. Lãnh đạo TP.HCM quan tâm và chỉ đạo sát sao tháo gỡ từng khó khăn dự án thì việc giải ngân, đẩy nhanh sẽ đạt được kỳ vọng". 

Nghị quyết 98 của Quốc hội quy định thí điểm 6 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Thành phố đã được cho một hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù trong việc phân cấp, phân quyền, huy động nguồn lực tài chính và thu hút nhân lực, nhưng sự chồng chéo giữa các luật đã tác động không nhỏ đến việc triển khai.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cũng nhấn mạnh: "TP.HCM là một đô thị đặc biệt, quá trình thực hiện Nghị quyết 98 vướng rất nhiều các quy định pháp luật, nên khi tổng kết Nghị quyết 98 đề nghị ban hành một luật cho TP.HCM như luật Thủ đô thì mới đáp ứng được những khó khăn, vướng mắc hiện nay".

9 vấn đề khó khăn, hạn chế, yếu kém trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội được TP.HCM nêu ra trong báo cáo tại buổi làm việc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Trong đó có đến 5 vấn đề xuất phát từ nguyên nhân bất cập về pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản không thống nhất.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: