Khi đứng trước những ngã rẽ quyết định tương lai, sự lúng túng, chần chừ là điều không thể tránh khỏi. Những băn khoăn về trường lớp, ngành nghề cũng không phải là chuyện của riêng ai.
Diễn viên Thế Hải chia sẻ câu chuyện của mình
Trong quá trình học tập, mỗi người như những nhà du hành trên biển, chìm đắm trong sự mênh mông và thả mình theo từng cơn sóng kiến thức. Việc đưa ra một quyết định chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là khi chúng có ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này.
Nhưng, như thế nào là phù hợp với bản thân, với những mơ ước và sự kì vọng của cha mẹ?… Hàng ngàn câu hỏi trong đầu, khiến những em học sinh vừa khoác lên mình tấm áo tốt nghiệp đã phải trăn trở với nguyện vọng, một nét bút trên giấy chứa thật nhiều tâm tư. Thậm chí đến tận bây giờ, nhớ lại cảm giác năm xưa, diễn viên Thế Hải vẫn không khỏi nuối tiếc về sự thiếu định hướng trong việc chọn lựa ngành học những năm cuối cấp 3 của mình.
Hiện tại, Thế Hải đã có 10 năm kinh nghiệm trong nghiệp diễn với gần 30 vai diễn khác nhau. Nhưng có ai biết được rằng, anh đã trải qua nhiều khó khăn trước khi bước vào nghề. Chia sẻ với Hamlet Trương, lúc còn ngồi trên nghế nhà trường, anh luôn mang tâm lý “sợ thi rớt” vì vậy, phần lớn thời gian anh đều dành cho sách vở, không mảy may suy nghĩ đến định hướng sau này. Khoảnh khắc khiến anh nhận ra, chính là khi đặt bút ghi lên hồ sơ nghề nghiệp cuối năm 12, đầu óc rỗng tuếch, đến mức anh đã đăng kí ngành “Tài chính ứng dụng” – ngành mà anh không nắm chắc một thông tin gì.
Vào tháng 3/2006, khi đã đi qua được một học kỳ đại học, khi kinh tế gia đình kiệt quệ, anh không còn tâm huyết để tiếp tục việc học. Đúng lúc ấy, bỗng xuất hiện một cơ duyên khiến anh thức tỉnh khi tình cờ gặp lại người bạn cấp 2 hiện tại đang theo đuổi ngành diễn viên sân khấu. Tiếng lòng trong tim mà anh từng lơ là trước kia được khơi dậy. Anh tin vào khả năng diễn xuất của mình nên quyết tâm chuyển ngành.
Trong quan niệm của Thế Hải, nghệ thuật chưa bao giờ là bằng phẳng, người đời chỉ nhìn thấy sự thành công của người nghệ sĩ chứ chưa bao giờ biết họ đã bước đi trên con đường gồ ghề đến mức nào. Anh mong muốn những bạn trẻ hãy có suy nghĩ thật thấu đáo về ngành nghề mà mình lựa chọn, vì cuộc đời không chỉ là của bản thân mà còn là cho những người ta yêu thương. Hãy mơ ước chạm đến trời xanh, nhưng giữ cho mình cái đầu lạnh và tự tin về bản thân để chạm được đến nó.
Thế Hải, MC Phương Uyên (trái) và Hamlet Trương
Đứng trước ngã rẽ của ngành nghề, ta cần sự chuẩn bị thật kĩ càng, về phía bản thân lẫn kiến thức và thông tin đến từ xã hội. Hằng năm, để giúp các em học sinh lớp 12 có một định hướng đúng về tương lai của mình, cô Nguyễn Thị Tuyết Hương – phó giám đốc trung tâm tuyển sinh & hướng nghiệp, không ngừng tổ chức các buổi nói chuyện tại các trường khác nhau. Trải qua nhiều thời gian gắn bó như vậy, nghĩ lại, cái duyên để cô đến với nghề lại là một phút giây khó quên.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Hương- chuyên viên tư vấn hướng nghiệp
Khi xưa, lúc còn là một học sinh lớp 12, đối mặt với cánh cổng đại học, Hương chia sẻ mình không có nhiều nguồn thông tin giống như bây giờ, đa số các bạn đều chạy theo xu hướng, chọn những ngành hot để học tập. Nhưng cô không lựa chọn như vậy, đối lại với mong đợi của cha mẹ mình, Hương muốn theo học ngành Marketing. Đó cũng là lần đầu tiên cô làm mẹ mình rơi nước mắt. Người con gái đôi mươi, một mình đặt chân lên tàu tiến vào vùng đất Sài Gòn để theo đuổi sự nghiệp của mình.
Sau khi ra trường, cô nhận một công việc theo đúng ngành mình đã chọn. Nhưng tình cờ thay, vào ngày 31/10/2012, khi công ty quyết định đầu tư vào mảng sư phạm, cô lại được chuyển công tác sang một cách tình cờ. Một bước ngoặt ảnh hưởng đến tương lai của các em như mình năm nào, cô biết rõ tầm quan trọng của việc tư vấn hướng nghiệp.
Trong công việc hiện nay, cô Hương muốn đưa đến các em thông tin đầy đủ, cụ thể nhất bằng những kiến thức và kinh nghiệm mình đã có, phù hợp với đam mê, sở thích để các em đi theo nó một con đường dài chứ không tốn nhiều thời gian học tập bộ môn mình không xác định được.
Một buổi nói chuyện về hướng nghiệp của cô Nguyễn Thị Tuyết Hương
Ngày nay, học sinh không những phải học tốt những môn cơ bản ở trường lớp, mà để đáp ứng nhu cầu của xã hội, các em còn phải học thêm tiếng Anh để kết nối với thế giới nhiều hơn. Vừa phải đầu tư kinh tế, công sức và thời gian nhưng cũng cần đạt được hiệu quả nhất định. Để đưa đến cho xã hội một cách học ngoại ngữ tốt nhất, Huỳnh Chí Viễn - là một giảng viên tiếng Anh, đã có lựa chọn lối đi của mình hướng đến cộng đồng từ những năm rất trẻ.
Một buổi dạy tiếng Anh của thầy Huỳnh Chí Viễn
Chia sẻ với NSƯT Kim Xuân, 20 năm về trước, anh là một người thanh niên trẻ yêu thích việc học và hát bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, anh cảm thấy cách dạy ở những trung tâm lúc bấy giờ không thoả mãn được niềm đam mê của mình. Vì thế, Viễn muốn tìm kiếm một cơ hội khác ở miền đất hứa – đất nước Mỹ xa xôi.
Ban đầu, anh theo đuổi sự nghiệp sản xuất âm nhạc, nhưng, vì muốn xây dựng một giá trị cho cộng đồng xung quanh mình, anh quyết định chuyển hướng lựa chọn đi trên con đường giảng dạy tiếng Anh cho đến tận bây giờ.
Là một người từng trải, anh biết để giao tiếp tốt cần phải có sự dấn thân, nhưng hiện nay khi môi trường giáo dục quá chú trọng điểm số, các học viên thiếu đi cơ hội để thực hành, để thể hiện bản lĩnh, Huỳnh Chí Viễn tạo ra một môi trường học tập không có áp lực về điểm. Anh tự soạn giáo trình, chú trọng những điểm dễ nhầm lẫn của ngữ pháp, cách phát âm để trình độ tiếng Anh của học viên ngày càng hoàn thiện hơn.
Càng dạy nhiều, Huỳnh Chí Viễn càng cảm thấy tự hào, khi học viên nhút nhát ngày nào đã tự đăng kí cuộc thi hùng biện bằng tiếng Anh, bỏ qua những chướng ngại về bất đồng ngôn ngữ. Không còn sự ép buộc, những khó khăn mà thay vào đó là sự yêu thích và tự tin vận dụng một ngoại ngữ khác tiếng mẹ đẻ này.
Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22h45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.
Phạm Nhi