Tại phiên họp thứ tám Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia, hàng loạt thành quả của chuyển đổi số mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp đã được chỉ ra, như việc Hà Nội quyết tâm chấm dứt tình trạng phụ huynh xếp hàng nộp đơn cho con đi học.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, về quản trị số, Bộ TT&TT đang triển khai xây dựng 3 trợ lý ảo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nghiên cứu xây dựng 3 trợ lý ảo
Theo tính toán của Bộ TT&TT, tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2021, 2022 lần lượt là 11,91%, 14,26%. Tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2023 ước đạt 16,5% với tốc độ tăng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP.
Báo cáo của EconomySEA của Google, Temasek và Bain đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Với mức tăng trưởng trên, dự báo tỷ trọng kinh tế số/GDP của Việt Nam năm 2025 đạt trên 20%.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, năm 2024 là năm "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp CNTT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững".
"Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số, quan hệ sản xuất mới là quản trị số, lực lượng sản xuất mới là công nghệ số", Thứ trưởng Bộ TT&TT nói.
Để phát triển ngành công nghiệp CNTT, ông Phạm Đức Long cho biết, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 154 về khu CNTT tập trung để tạo điều kiện phát triển các khu CNTT tập trung đặc biệt tại các địa phương có nguồn nhân lực tốt, hạ tầng năng lượng xanh, tái tạo và có điều kiện giao thông, du lịch thuận tiện.
Tập đoàn Viettel cho biết trong năm 2024, tập đoàn sẽ triển khai ít nhất 6.000 trạm 5G để phủ sóng toàn bộ khu vực thủ phủ tỉnh và các khu công nghiệp quan trọng trên toàn quốc.
Mới đây, ngày 10/4/2024, Viettel đã khai trương trung tâm dữ liệu lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam tại Hòa Lạc với quy mô tổng công suất điện 30 MW. Lũy kế Viettel đã có 14 trung tâm dữ liệu với tổng công suất điện là 87 MW. Theo kế hoạch đến năm 2030 Viettel sẽ tiếp tục triển khai các trung tâm dữ liệu tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, mở rộng quy mô lên gấp 3 lần hiện tại
Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số để công nghiệp CNTT trở thành ngành công nghiệp nền tảng. Thúc đẩy đào tạo các nhóm ngành mới (vi mạch, AI, dữ liệu) phù hợp với nhu cầu và xu hướng phát triển trên thế giới.
Về dữ liệu, Bộ TT&TT đề xuất mỗi ngành kinh tế, bộ ngành, địa phương lựa chọn xây dựng từ 3-5 bộ dữ liệu (dataset) chất lượng cao. Mỗi ngành kinh tế lựa chọn và công bố 5 kịch bản khai thác, sử dụng dữ liệu nhằm tạo động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội.
Về quản trị số, Bộ TT&TT đang triển khai xây dựng 3 trợ lý ảo.
Trong đó, trợ lý ảo lập pháp để phát hiện những mâu thuẫn khi làm văn bản pháp luật; trợ lý ảo hỗ trợ hành pháp hỗ trợ cán bộ, công chức thực hiện công việc theo quy định; trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân sẽ trả lời các câu hỏi của người dân liên quan đến pháp luật, đến các quy định của nhà nước.
Hà Nội sẽ chấm dứt tình trạng xếp hàng nộp hồ sơ vào các trường
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, ngành đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) về giáo dục từ mầm non tới phổ thông, thu thập thông tin của 100% trường học (gần 53.000 trường, 1,6 triệu hồ sơ cán bộ, 24 triệu hồ sơ học sinh), hoàn thành xây dựng CSDL về giáo dục đại học với 470 cơ sở đào tạo đại học, trên 25.000 chương trình đào tạo, trên 153.000 hồ sơ cán bộ, gần 3 triệu hồ sơ người học.
CSDL ngành giáo dục cũng đã làm giàu cho CSDL quốc gia về dân cư thông tin giáo dục của hơn 24 triệu công dân.
Đáng chú ý, CSDL về giáo dục đại học đã kết nối với CSDL quốc gia về bảo hiểm, đồng bộ dữ liệu về sinh viên đã ra trường (người lao động có việc làm). Đến nay đã kết nối và đồng bộ chia sẻ dữ liệu việc làm của trên 97.000 sinh viên đã tốt nghiệp năm 2022 và gần 7.400 sinh viên tốt nghiệp năm 2023 (ngành giáo dục biết được mã số bảo hiểm của sinh viên ra trường, mức lương bao nhiêu, làm việc trong lĩnh vực gì). Hiện nay các cơ sở đào tạo đang tiếp tục rà soát cập nhật dữ liệu sinh viên ra trường để có báo cáo đánh giá, phân tích tin cậy.
Đáng chú ý, 63 sở GD&ĐT đang lên kế hoạch và tổ chức thực hiện thí điểm học bạ số, đến tháng 6/2024 Bộ sẽ tổ chức hội nghị tổng kết thí điểm học bạ số để đánh giá, chuẩn bị cho áp dụng học bạ số chính thức trên toàn quốc từ năm học 2024-2025 này.
Bộ trưởng cũng thông tin thêm, từ năm 2022, 100% học sinh (khoảng 1 triệu thí sinh hàng năm) đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến và gần 700.000 thí sinh (hàng năm) đăng ký tuyển sinh đại học trực tuyến.
Năm nay, Hà Nội quyết tâm tất cả các trường học trên địa bàn sẽ áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến từ năm học 2024-2025, nhằm chấm dứt tình trạng phụ huynh học sinh xếp hàng nộp hồ sơ. Trường nào vi phạm sẽ không được giao chỉ tiêu.
'Làng thông minh' đầu tiên trên cả nước
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, chuyển đổi số rất quan trọng với những địa phương "khuất nẻo" như Đồng Tháp. Song song với việc triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, Đồng Tháp đã đầu tư 15 hệ thống giám sát côn trùng thông minh, 4 trạm quan trắc 3 mực nước tự động trên địa bàn.
Trong năm 2024, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng hạ tầng thiết bị cho chuyển đổi số ngành nông nghiệp: Hệ thống giám sát côn trùng thông minh (23 hệ thống), trạm giám sát và cảnh báo lũ (36 trạm), hệ thống camera giám sát chu kỳ sinh trưởng của cây trồng (36 hệ thống), hệ thống đo nhiệt độ và độ ẩm đất tự động (100 điểm) nhằm xây dựng mạng lưới giám sát tự động, nhanh chóng, có độ chính xác cao.
Đồng Tháp cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm triển khai mô hình "Làng thông minh" tại xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh. Đến nay mô hình đã cơ bản hoàn thiện với một số điểm nổi bật: Hệ thống tưới thông minh tự động sử dụng năng lượng mặt trời; hệ thống quan trắc môi trường đất, nước và không khí; hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh; camera giám sát an ninh xã hội; xây dựng cổng thông tin điện tử, hệ cơ sơ dữ liệu ứng dụng. Mô hình "làng thông minh" bắt đầu được nhân rộng đến các địa phương trong tỉnh, trước mắt là ở xã nông thôn mới nâng cao.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đang chuyển đổi số toàn diện các khu/cụm công nghiệp và nhà máy sản xuất (doanh thu tăng trưởng từ 5-25%) tùy thuộc mức độ đầu tư cho chuyển đối số. Hiện nay, tỉnh đã có 6 khu công nghiệp ứng dụng nền tảng quản trị và điều hành thông minh của Becamex và đang triển khai chuyển đổi 3 nhà máy thành sản xuất thông minh (Orion, Takako, Vinamilk).
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số khu công nghiệp, chuyển đổi từng nhà máy sản xuất truyền thống sang sản xuất thông minh, ứng dụng các giải pháp công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), mạng 5G cho công nghiệp, phân tích dữ liệu để thu thập dữ liệu theo thời gian thực và tự động hóa quy trình để tối ưu các nguồn tài nguyên, đồng thời tiết kiệm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp để vận hành thông minh, chuyển đổi dần từng bước trên hạ tầng sản xuất hiện có, từng bước hình thành khu công nghiệp thông minh.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, Cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh đã cập nhật dữ liệu của trên 500 doanh nghiệp. Triển khai công nghệ thực tế ảo để giới thiệu các điểm tham quan, du lịch nổi tiếng của Bình Thuận, từ đó tạo ấn tượng, thu hút du khách đến tham quan thực tế. Tỉnh cũng sử dụng QR code để cung cấp đầy đủ thông tin giới thiệu các điểm tham quan, du lịch nổi tiếng của tỉnh.
Trong năm 2023, lượng du khách đến Bình Thuận đạt 8,35 triệu lượt, tăng 45,98% so với năm 2022; doanh thu du lịch đạt 22.300 tỷ đồng, tăng khoảng 63%.
"Ngoài lợi thế về hạ tầng, đặc biệt là sau khi tỉnh chính thức đưa vào hoạt động hai tuyến cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, Vĩnh Hảo-Phan Thiết nối Bình Thuận với TPHCM và các tỉnh lân cận, thì hoạt động chuyển đổi số, đẩy mạnh truyền thông về du lịch trên các nền tảng số, cung cấp các tiện ích, thông tin cho du khách cũng góp phần làm tăng lượng du khách đến Bình Thuận trong thời gian qua", Phó Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận Đoàn Anh Dũng cho biết.
2 tỷ giao dịch trên nền tảng dữ liệu quốc gia
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia, CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và 4 doanh nghiệp; đồng bộ thành công trên 268 triệu thông tin người dân; tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin (tăng 213 triệu so với năm 2023).
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối với 388 hệ thống, CSDL của 95 cơ quan, đơn vị tham gia kết nối. Trung bình mỗi ngày khoảng 2,8 triệu giao dịch. Tổng số giao dịch tới nay là khoảng 2 tỷ giao dịch.
Đến nay, tổng số CSDL thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau hiện nay là 2398 CSDL, tăng 311 (14,5%) so với năm 2023. 11 bộ, ngành. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và 43 địa phương ban hành danh mục, kế hoạch cung cấp dữ liệu mở, đạt tỉ lệ 64%, tăng 7% so với năm 2023.
Các cơ quan nhà nước tiếp tục khai thác, vận hành hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia trong quản lý, điều hành kinh tế xã hội. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai, khai thác tối đa giá trị của dữ liệu.
Điển hình thành công, kho dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức của Đà Nẵng được phát triển trên nền tảng Công dân số, cho phép mỗi người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến không phải khai báo lại, không nộp thêm giấy tờ nếu đã có trên Kho dữ liệu điện tử. Đến nay 94% thủ tục hành chính của thành phố đã được cung cấp dịch vụ công toàn trình.
Về xã hội số, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; tiếp nhận trên 74,85 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân (đạt 71,63% hồ sơ tiếp nhận). Ứng dụng VNeID đã được tích hợp 8 dịch vụ tiện ích, đã có 29,3 triệu lượt truy cập.
100% các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 100% cơ sở đào tạo y tế thanh toán học phí không dùng tiền mặt; khoảng 64% người dân hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp ở khu vực đô thị nhận qua tài khoản cá nhân.
77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; dịch vụ Mobile money có hơn 8,2 triệu khách hàng, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ 2023 (5,8 triệu khách hang tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; chiếm 72% số khách hàng sử dụng); 251.798 đơn vị chấp nhận dịch vụ.
Chính phủ