Họa sĩ 82 tuổi Từ Hoa Lợi dành cả cuộc đời vẽ tranh truyền thần và người đàn ông ở miền Tây sáng chế đàn kết hợp 10 loại nhạc cụ khác nhau là hai câu chuyện cảm động ở chương trình “Mãi mãi thanh xuân”.
Họa sĩ Từ Hoa Lợi tặng bức vẽ truyền thần cho các nghệ sĩ
Dành cả cuộc đời vẽ tranh truyền thần
Xuất hiện trong chương trình Mãi mãi thanh xuân, người họa sĩ 82 tuổi gây ấn tượng sâu sắc khi mang theo 4 bức tranh vẽ truyền thần tặng cho các nghệ sĩ Lam Trường, Giang Hồng Ngọc, Ốc Thanh Vân, Sam. Riêng bức tranh của nghệ sĩ Kim Tử Long, chú Lợi đã dành lại hoàn thành ngay trên sân khấu chương trình. Trước những bức tranh truyền thần trắng đen được chú khắc họa rõ nét dấp dáng, đường nét khuôn mặt đến thần thái y chang hình chụp, các nghệ sĩ đã liên tục bày tỏ sự trầm trồ ngưỡng mộ.
Tranh truyền thần là một thể loại hội họa mà người họa sĩ truyền lại cái “thần” của người được vẽ, tức là truyền đạt được cảm xúc, thần thái thông qua tác phẩm. Trong thời đại công nghiệp phát triển như hiện nay, nghề vẽ tranh truyền thần đã không còn giữ được vị thế xưa. Khách hàng không còn nhiều nên các họa sĩ cũng dần rời bỏ niềm đam mê với nghề để kiếm sống bằng những công việc khác. Chú Từ Hoa Lợi được mệnh danh là một trong những họa sĩ vẽ tranh truyền thần cuối cùng ở TP.Hồ Chí Minh.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng sau này, chú Từ Hoa Lợi lại chọn TP.Hồ Chí Minh làm nơi lập nghiệp. Đến nay, chú đã sinh sống và vẽ tranh truyền thần được gần 30 năm. Chia sẻ về “mối duyên” với nghề vẽ, chú Lợi cho biết bắt đầu từ năm 9 – 10 tuổi chú đã rất thích vẽ. Thời đó, chưa học qua trường lớp đào tạo bài bản nào và những bức tranh của chú cũng chỉ đơn giản là những con gà, con vịt mẹ hay đi chợ về mua. Sau này lớn lên, theo học trường Đại học Mĩ Thuật Hà Nội đã giúp chú “chắc tay” hơn để theo đuổi niềm đam mê vẽ tranh của mình. Và kể từ đó, chú Từ Hoa Lợi đã gắn bó với nghề vẽ tranh truyền thần được hơn 60 năm.
Nghệ sĩ ưu tú Kim Tử Long làm mẫu để họa sĩ Từ Hoa Lợi vẽ truyền thần
Những bức tranh của chú không những diễn tả dáng dấp, đường nét của khuôn mặt mà còn thể hiện được thần thái, tâm trạng của nhân vật. Cả đôi mắt, cái nhoẻn miệng cười hay từng biểu cảm đều được chú khắc họa rõ nét. Hàng ngày, tại sạp vẽ nhỏ của mình trên đường Điện Biên Phủ (quận 10, TPHCM), cứ 8 giờ sáng chú lại dọn giá vẽ, tá bút được tự chế bằng tre, bông và thậm chí là lông chổi, đầu lọc thuốc lá; đúng 5 giờ chiều thì dọn về. Mỗi lần vẽ, chú đều rất nhập tâm như thể đưa hồn vào bức tranh, mặc kệ mọi sự việc xung quanh.
Chú Từ Hoa Lợi luôn tâm niệm: “Nghề nào cũng quý nhưng người làm nghề phải say mê, yêu nghề thì cả đời mới giữ được nghề, mới đem lại kết quả thật mĩ mãn”. Theo đuổi nghề vẽ cả cuộc đời mình như thế, đến nay chú Lợi không khỏi trăn trở cho cái nghề của mình rồi sẽ đi về đâu khi hàng chục năm qua vẫn không có ai kế thừa.
Chiếc đàn “độc nhất vô nhị”
Với niềm đam mê âm nhạc, ông Nguyễn Hồng Phước (68 tuổi, ngụ thị trấn Chợ Vàm, Phú Tân) đã sáng chế ra cây đàn kỳ lạ, với tên gọi Thập Liên cầm, kết hợp 10 loại đàn thông dụng trong nghệ thuật đờn ca tài tử.
Xuất thân trong gia đình có truyền thống về đờn ca tài tử, có cha làm bầu sô gánh hát bội, 12 tuổi ông đã biết chơi rất nhiều loại nhạc cụ. Không ít lần gặp phải sự cố khi biểu diễn nên ông Phước nghĩ ra ý định sáng chế cây đàn tích hợp nhiều loại nhạc cụ để tiện trong việc biểu diễn cũng như cùng bạn tri âm đối ẩm lúc vui buồn.
Đầu tiên là “2 trong 1”, “3 trong 1”, “4 trong 1”, rồi dần dần là “10 trong 1” gồm” đàn guitar, đàn Hạ Uy Di, đàn tranh, đàn độc huyền, đàn sến, đàn kìm, đàn cò, đàn gáo, đàn violon, bass. Cây đàn “10 trong 1” được ông Phước thiết kế có hình dáng rất độc đáo, gồm nhiều dây, phím được sắp xếp rất khoa học, thuận tiện để có thể chuyển từ loại đàn này sang loại đàn khác trong tích tắc.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình sáng chế đàn, ông Phước cho biết: “Trong quá trình sáng chế đàn, khó nhất là thiết kế mô hình, nó đòi hỏi một kỹ thuật cao để làm sao mình thể hiện trên đó từng loại đàn. May mắn tôi còn có nghề hội họa nên có thể tự thiết kế chứ cũng không nhờ ai được”.
Niềm đam mê âm nhạc không dừng lại ở đó, hiện tại ông Phước đang tâm huyết trong sáng chế cây đàn mới - Thập Tam Liên Cầm với nhiều cải tiến mới từ Thập Liên Cầm và bổ sung vào đó 3 loại nhạc cụ mới gồm trống, organ và bass nhạc.
Tham gia chương trình Mãi mãi thanh xuân - một chương trình tìm kiếm tài năng dành riêng cho người cao tuổi, ông Nguyễn Hồng Phước đã đến cùng cây đàn độc đáo của mình và thể hiện tài năng đờn ca tài tử khiến Ban bình luận trầm trồ không ngớt.
Chứng kiến sự tình yêu cháy bỏng của ông Phước dành cho nghệ thuật, nghệ sĩ Kim Tử Long đã đặc biệt ngỏ lời mời ông Phước đến biểu diễn tại đêm liveshow của nam nghệ sĩ sẽ diễn ra vào tháng 10 tới đây khiến ông vô cùng cảm động. Ông cho biết, chính sự quý mến và công nhận của nghệ sĩ Kim Tử Long đã truyền hơi ấm và sự tin tưởng cho ông để ông có thêm động lực và sức mạnh hoạt động ở lĩnh vực mà mình đam mê.
Ông Nguyễn Hồng Phước chia sẻ, người sáng tạo lúc nào cũng mong nhất là tác phẩm của mình được hoàn chỉnh và được mọi người công nhận. Chỉ có cái yêu đàn và mang tiếng đàn cho mọi người rồi được mọi người cho lại niềm vui thì tôi đã cảm thấy sung sướng
Minh Đăng. Ảnh: DQ