(HTV) - Hiện tượng gây chấn động của DeepSeek đã đánh thức không chỉ Mỹ mà cả thế giới. Một điều đáng quan tâm chú ý là để vận hành được phần mềm A.I này, cần đến những con chip. Tuy nhỏ, nhưng chúng lại vô cùng quan trọng.
Hơn bao giờ hết, các nước nhận ra rằng, tương lai phát triển công nghệ toàn cầu không chỉ về hạt nhân, tiền điện tử, Internet hay bất kỳ công nghệ tiên tiến nào khác, mà sẽ còn liên quan sâu sắc đến việc phát triển A.I.

Để vận hành được những phần mềm AI cần đến những con chip tuy nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng
Việc phần mềm DeepSeek ra mắt cho thấy A.I đang ngày càng phát triển nhanh và ngày càng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của con người. Mặt khác, nó cũng cho thấy A.I cần phải có một số lượng lớn những con chip để điều khiển phần mềm này. Công nghệ chip bán dẫn, lĩnh vực sản xuất vô cùng phức tạp và có tính rủi ro cao, luôn là cuộc chiến giữa những gã khổng lồ của ngành. Giờ đây, nó còn là cuộc đua giữa các nước.

CEO của NVIDIA nói về công nghệ đóng gói chip trong ngành công nghiệp bán dẫn
Sản xuất chip đã trở thành một ngành kinh doanh ngày càng bấp bênh và độc quyền. Các nhà máy mới có giá thành hơn 20 tỷ đô la phải mất nhiều năm để xây dựng và cần hoạt động hết công suất 24 giờ một ngày để tạo ra lợi nhuận.
Quy trình khắt khe và đòi hỏi quy mô lớn đã giảm số công ty có khả năng sản xuất chip xuống chỉ còn 3 - Tập đoàn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc), Samsung Electronics của Hàn Quốc và Intel Corp của Mỹ.

Sản xuất chip đã trở thành một ngành kinh doanh ngày càng bấp bênh và độc quyền
Mỹ mặc dù vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, các công ty Mỹ chiếm gần một nửa doanh số chip bán dẫn thế giới, song các nhà máy sản xuất đặt tại Mỹ chỉ chiếm 12% sản lượng chất bán dẫn toàn cầu năm 2020, giảm hơn 3 lần so năm 1990.
Sự suy giảm tỷ trọng của ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ trong thị phần toàn cầu đã buộc Tổng thống Mỹ lên tiếng cảnh tỉnh các doanh nghiệp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn sản xuất chip quay trở lại Mỹ
Trong cuộc cạnh tranh lấy lại vị thế hàng đầu của mình, Chính quyền Mỹ lo ngại về số phận của Intel - một công ty được coi là có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh quốc gia. Từ vị trí thống trị lĩnh vực sản xuất chip, là nhà sản xuất chip lớn nhất ở Mỹ tính theo doanh thu, giờ đây, Intel đã bị tụt hạng và có nguy cơ bị TSMC và Broadcom thâu tóm.

Chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ không ủng hộ việc các nhà máy sản xuất chip của Intel tại Mỹ được vận hành bởi một công ty nước ngoài. Dù chính quyền khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Mỹ, nhưng họ "khó có thể" chấp nhận một công ty nước ngoài kiểm soát các nhà máy Intel, theo vị quan chức này.
Intel từng là một trong những công ty hưởng lợi lớn nhất từ chính sách hỗ trợ sản xuất chip trong nước của chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden. Năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố gói trợ cấp 7,86 tỷ USD cho Intel để mở rộng sản xuất chip tại Mỹ.

Chính quyền Mỹ lo ngại về số phận của công ty hàng đầu của đất nước trong lĩnh vực sản xuất chip
Sự suy thoái của Intel phần lớn đến từ sai lầm trong chiến lược sản xuất, khiến công ty tụt hậu so với TSMC hay Samsung Electronics. Công ty còn bị ảnh hưởng bởi các đối thủ nổi lên trong mảng bộ xử lý trung tâm, bao gồm AMD.
Intel cũng bị bỏ lại trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (A.I), khi các hãng công nghệ chuyển sang chip Nvidia để phát triển, vận hành mô hình.
Để khắc phục việc này, chính quyền Mỹ đã hoàn tất thỏa thuận đầu tư lên tới 6,2 tỷ đô la vào Micron Technology - một trong những công ty bán dẫn hàng đầu của nước này, giúp Micron đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất các loại chip nhớ tiên tiên ngay trên lãnh thổ Mỹ. Khoản đầu tư này là một phần trong kế hoạch dài hạn của Micron, với tổng giá trị lên tới 100 tỷ dollar Mỹ trong vòng 20 năm tới.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9