Hết thời “câu like”, quảng cáo số cần thanh lọc để phát triển thực chất?

THU HIẾU - MINH KHÔI - HỒ ĐỨC - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 7/4/2025, 15:11

(HTV) - Thị trường livestream bán hàng tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn chững lại. Việc cơ quan chức năng liên tiếp xử phạt các trường hợp quảng cáo sai sự thật, bán hàng không rõ nguồn gốc đã khiến nhiều người tiêu dùng cảnh giác hơn.

Tại một doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc đều đặn sản xuất clip mỗi ngày và tổ chức 2-3 phiên livestream mỗi tuần là điều đã duy trì suốt 3 năm qua. Thế nhưng hiệu quả lại không như mong đợi, khi thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là trước sức ảnh hưởng của các KOLs, KOCs. Ông Nguyễn Ngọc Luận – Giám đốc điều hành Cà phê nông sản Meet & More chia sẻ: “Mặc dù vẫn live nhưng phải bỏ số tiền lớn vào thì họ mới cho mắt xem và đây là khó khăn lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mình nỗ lực bằng khả năng nhưng nền tảng người ta bóp vì không có nổi tiếng, không có sức ảnh hưởng đến cộng đồng”.

Ngày càng nhiều phiên livestream không cần KOLs, không chạy theo view, mà tập trung kể câu chuyện thật, từ chính người làm ra sản phẩm

Để siết chặt hoạt động quảng cáo, Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi đang được lấy ý kiến toàn quốc đã đề xuất đưa “người chuyển tải nội dung quảng cáo” vào diện chịu trách nhiệm pháp lý. Theo đó, người sở hữu tài khoản mạng xã hội từ 500.000 lượt theo dõi trở lên khi tham gia quảng cáo phải đảm bảo ba nguyên tắc: tuân thủ pháp luật quảng cáo, có hợp đồng hợp tác với đơn vị sản xuất hàng hóa, và cung cấp bằng chứng cụ thể về việc sử dụng sản phẩm.

Ông Phạm Ngọc Cường – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Quảng cáo TP.HCM nhận định: “Chúng tôi cũng kiến nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nên có công cụ này vào luật sửa đổi. Khi chúng ta có hành lang pháp lý thì hậu kiểm sẽ hiệu quả hơn, không cần mỗi sản phẩm quảng cáo phải xin phép, giảm áp lực và thủ tục rườm rà cho người bán”.

Ở góc độ chuyên môn, các chuyên gia thị trường cũng cảnh báo về hệ lụy khi người tiêu dùng quá phụ thuộc vào người nổi tiếng. Ông Nguyễn Phương Lâm – Giám đốc phân tích thị trường YouNet ECI phân tích: “Sẽ phải kiểm soát vì thực tế một người đâu có thể xài hết tất cả sản phẩm như vậy. Và khi chúng ta quá lệ thuộc vào người nổi tiếng, giả sử như người nổi tiếng không sử dụng sản phẩm đó nữa mà người tiêu dùng quá tin thì tác hại là người tiêu dùng có thực sự thông minh hay không”.

Khi Mega Live giảm sức hút, cũng là lúc nhiều doanh nghiệp nhỏ tìm được cơ hội để “ngoi lên” giữa mặt bằng thương mại khốc liệt. Ngày càng nhiều phiên livestream do chính chủ doanh nghiệp đảm nhiệm, không cần KOLs, không chạy theo view, mà tập trung kể câu chuyện thật, từ chính người làm ra sản phẩm. Ông Phạm Ngọc Cường nhận định: “Sự chững lại là sự thanh lọc để phát triển tốt hơn. Do đó doanh nghiệp cần quảng bá minh bạch. Doanh nghiệp tự làm thì người tiêu dùng thông minh sẽ có thông tin nhiều. Doanh nghiệp thông tin rõ ràng có nguồn gốc thì người tiêu dùng sẵn sàng đến với doanh nghiệp tự livestream chứ không cần KOC, KOLs”.

Từ góc nhìn thực tế, ông Nguyễn Ngọc Luận cho rằng: “Có những nhóm khách không vì câu view, câu like. Họ vì thực tế thì tìm đến chúng tôi. Có cơ hội là chúng tôi càng nói nhiều thì cũng có người biết đến chúng tôi, biết đến những doanh nghiệp hiểu về sản phẩm, sử dụng thì họ biết nguồn gốc ở đâu, ai sản xuất ra”.

Sau ba năm phát triển bùng nổ, hình thức livestream bán hàng đang dần bước vào giai đoạn ổn định và trưởng thành hơn

Việc cơ quan chức năng mạnh tay xử lý sai phạm đã mở ra không gian cho các doanh nghiệp đầu tư bài bản, từ đó góp phần làm trong sạch môi trường quảng cáo số, hướng đến một thị trường minh bạch và bền vững.

Tiến sĩ Châu Đình Linh – Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng: “Không thể đảo ngược quá trình này đâu và đây là trên cả toàn cầu chứ không riêng Việt Nam. Nên chăng có cách khiến họ hướng đến hàng nội địa, sản phẩm bảo vệ môi trường, rào cản kỹ thuật để tạo ra khuyến khích hàng nội địa”.

Tiến sĩ Châu Đình Linh – Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM nên tìm cách khiến người tiêu dùng hướng đến hàng nội địa, sản phẩm bảo vệ môi trường, rào cản kỹ thuật để tạo ra khuyến khích hàng nội địa

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu Statista, chi tiêu cho quảng cáo sử dụng Influencer tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt hơn 87 triệu USD trong năm 2024, với tốc độ tăng trưởng hằng năm gần 12%. Đến năm 2028, quy mô thị trường này có thể vượt 135 triệu USD.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: