Hình tượng Rồng tại Hoàng Thành trong chương trình Thời sự đặc biệt tối nay

VĂN KHÁNH - BÍCH PHƯƠNG - HOÀNG VIỆT - KIM LOAN - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 9/2/2024, 11:00

(HTV) - Những giá trị truyền thống và lịch sử - với linh vật Rồng của năm Thìn mang đến nhiều kỳ vọng về sự thịnh vượng và phồn vinh. Và nói đến Rồng của nước Việt - thì phải nhắc ngay đến Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến!

Trong bộ tứ linh: Long – Ly – Quy – Phụng. Long chính là con vật đứng đầu, biểu thị cho sức mạnh và quyền lực vượt trội. Hình tượng Rồng được người xưa tôn thờ và trân trọng vì những ý nghĩa cao đẹp. 

Hình tượng Rồng được được gắn với biểu tượng của uy quyền, vua chúa. Và văn hóa của người Việt sử dụng biểu tượng Rồng với mong muốn về sự phồn thịnh, may mắn và hạnh phúc. Chính vì vậy mà tất cả chúng ta đều có những kỳ vọng lớn lao cho năm Giáp Thìn.

Phóng viên HTV tại Hoành Thành Thăng Long

Bên trong di tích trưng bày hình tượng Rồng thời Lý - Trần - Lê

Là biểu tượng của sự cao quý, của sức sống vĩnh hằng và sức mạnh vũ trụ nên hình tượng rồng được sử dụng nhiều trong kiến trúc cung đình, đình chùa, trang phục vua chúa. Hình tượng con rồng cũng thay đổi theo dòng lịch sử qua các triều đại.

Hình tượng Rồng thời Lý

Đầu Rồng thời Lý rất đặc biệt, có mào, mũi và bờm được khắc họa tự nhiên và uyển chuyển vô cùng sinh động. Mào Rồng chùm toàn bộ môi trên và quyện với răng nanh tạo ra hình ảnh như đám mây đang bay. Râu Rồng mềm mại như sóng nước, uốn lượn theo gió.

Mũi Rồng được khắc họa bởi những đường cong xếp chồng lên nhau khiến người xem liên tưởng ra nguồn nước. Miệng Rồng thường há rộng để lộ hàm răng đang ngậm ngọc rất ấn tượng.

Đặc biệt, râu và mào Rồng lại uốn vào nhau, tạo nên hình ảnh giống chiếc lá bồ đề, hoàn toàn phù hợp với thời kỳ hoàng kim của Phật giáo lúc bấy giờ.

Thân Rồng uốn lượn mềm mại giống như đang bay rất sống động. Phần thân thường có 11-13 khúc, rất đồng đều. Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất đó là Rồng của thời Lý lại sở hữu thân hình tròn, da trơn và không có vảy. Đây là điểm đặc biệt mà mọi người có thể dùng để phân biệt Rồng của thời Lý với Rồng ở các thời điểm khác.

Ở thời Lý, rồng có 4 chân, có loại 3 móng, cũng có loại 5 móng. Nhưng dù chân có mấy móng, thì móng đều được khắc họa rất nhỏ nhắn và vuốt sắc như móng chim. Tại khuỷu chân của Rồng, thường có thêm một cụm lông hình mây bay về sau tăng thêm vẻ mềm mại cho hình tượng. 

Hình tượng rồng thời Trần

Thân rồng thời Trần vẫn giữ dáng dấp như thời Lý, với các đường cong tròn nối nhau, các khúc trước lớn, các khúc sau nhỏ dần và kết thúc như đuôi rắn. Vẩy lưng vẫn thể hiện từng chiếc, nhưng không tựa đầu vào nhau như rồng thời Lý. Có khi vảy lưng có dạng hình răng cưa lớn, nhọn, đôi khi từng chiếc vẩy được chia thành hai tầng. Chân rồng thường ngắn hơn, những túm lông ở khủy chân không bay ra theo một chiều nhất định như rồng thời Lý mà lại bay lên phía trước hay phía sau tùy thuộc vào khoảng trống trên bức phù điêu. Và có sự xuất hiện chi tiết cặp sừng và đôi tay.

Đầu rồng không có nhiều phức tạp như rồng thời Lý. Rồng vẫn có vòi hình lá, vươn lên trên nhưng không uốn nhiều khúc. Chiếc răng nanh phía trước khá lớn, vắt qua sóng vòi. Miệng rồng há to nhưng nhiều khi không đớp quả cầu.

Rồng thời Trần lượn khá thoải mái với động tác dứt khoát, mạnh mẽ. Thân rồng thường mập chắc, tư thế vươn về phía trước. Cách thể hiện rồng không chịu những quy định khắt khe như thời Lý.

Hình tượng rồng thời Lê

Đến thời Lê, rồng có sự thay đổi hẳn, rồng không nhất thiết là một con vật mình dài uốn lượn đều đặn nữa mà ở trong nhiều tư thế khác nhau. 

Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Mép trên của miệng rồng vẫn kéo dài nhưng được vuốt gần như thẳng ra, bao quanh có một hàng vải răng cưa kết lại như hình chiếc lá. Răng nanh cũng được kéo dài lên phía trên và uốn xoăn thừng ở gốc. Lông mày vẫn giữ hình dáng biểu tượng omega, nhưng được kéo dài ra và đuôi vuốt chếch lên phía sau. Trên lông mày và chiếc sừng hai chạc, đầu sừng cuộn tròn lại. Rồng có râu ngắn và một chân trước thường đưa lên đỡ râu, tư thế thướng thấy ở các con rồng đời sau. Cổ rồng thường nhỏ hơn thân, một hiện tượng ít thấy ở những con rồng trước đó. 

Di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là một phần quan trọng của Cấm thành và Hoàng thành của Kinh đô Thăng Long xưa. Đây là trung tâm quyền lực của các vị vua từ triều đại Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng.

Hiện nay, du khách đến tham quan khu di sản Hoàng thành Thăng Long có thể chiêm ngưỡng rất nhiều hiện vật độc đáo của kinh thành Thăng Long xưa, gắn liền với hình tượng này.

Rồng Việt Nam, rồng Thăng Long có lịch sử lâu đời, mỗi thời kỳ đều có đặc điểm sáng tạo khác nhau nhưng luôn là hình tượng cao đẹp, biểu trưng cho nguồn gốc, sức sống mãnh liệt và sự trường tồn của dân tộc.

Dù ở triều đại nào, hình tượng Rồng trong văn hóa người Việt luôn là biểu tượng cho những gì uy nghi, trang nghiêm và tôn kính nhất. Đó cũng là sự dẫn dắt, là động lực, là điểm tựa tinh thần cho mỗi chúng ta.

Năm Giáp Thìn - một năm mà hình tượng Rồng sẽ xuyên suốt đến đời sống của Nhân dân. Với ý nghĩa về hình tượng Rồng thịnh vượng của các triều đại phong kiến Việt Nam, chắc chắn rằng năm Giáp Thìn sẽ là một năm thể hiện được sự hưng thịnh, sự đi lên. Một năm sẽ mở ra nhiều điều may mắn, kinh tế phát triển, ấm no, hạnh phúc.

Xin mời quý vị hãy đón xem trọn thông tin trên tại Chương trình đặc biệt Tết hội ngộ - Xuân yêu thương từ 19 giờ thứ Sáu 09/02/2024 trên HTV9.

 >>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: